Ngành ngân hàng trước áp lực tăng vốn theo chuẩn Basel II
Để đáp ứng các yêu cầu về tăng vốn điều lệ nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), theo các chuyên gian năm 2018 áp lực này sẽ dâng cao khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN chính thức có hiệu lực. Vậy đâu là những khó khăn thách thức của ngành ngân hàng trước áp lực này.
CAR của toàn hệ thống đạt 12,3%
Theo NHNN, tính đến 30/11/2017, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 500.000 tỷ đồng, tăng gần 2,8% so với cuối năm 2016. Trong đó, vốn điều lệ khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng gần 5%; khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần cũng tăng gần 5%, đạt khoảng 211.000 tỷ đồng, chiếm 43% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; khối NHTM nhà nước tăng khiêm tốn hơn, vào khoảng 0,8%, tương đương 149.000 tỷ đồng và chiếm hơn 28% tổng vốn.
Tuy nhiên, nhận định chung của nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu tăng vốn đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam để mở rộng kinh doanh, tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR) để tiệm cận với chuẩn mực thông lệ quốc tế.
Ông Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế nhận định: "Trong bối cảnh Việt Nam đang phải cải tổ, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng theo thông lệ của thế giới thì đến năm 2020 cần hoàn thành cơ bản chuẩn Basel II. So với hệ tiêu chí Basel II thì hệ số CAR của ngân hàng Việt Nam còn một khoảng cách khá xa nữa mới đáp ứng được".
Đánh giá mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho thấy, đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/ tổng tài sản có rủi ro điều chỉnh là 8%. Tuy nhiên, hiện toàn hệ thống có 9/118 tổ chức tín dụng (TCTD) âm vốn tự có. Nếu loại trừ các TCTD bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống đạt khoảng 12,3%.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có hoặc tăng vốn điều lệ theo hai hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn.
Báo cáo ngành ngân hàng 2017 mới đây nhất của Cty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, 10 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, VIB, MaritimeBank, Sacombank, MB, ACB và Techcombank đang đẩy nhanh quá trình chuẩn bị thí điểm Basel II nhưng vấn đề tăng vốn gặp nhiều khó khăn.
Tăng vốn cần có “tiền tươi thóc thật”
Trong thời gian gần đây chỉ một vài ngân hàng lớn mới đủ sức thu hút nhà đầu tư, còn lại đa số các TCTD vẫn gặp khó khăn lớn khi đi tìm phương án tăng vốn.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng,Thông tư số 41 với những quy định chặt chẽ hơn về dòng vốn, nguồn vốn, đòi hỏi phải cần có “tiền tươi thóc thật” sẽ càng làm khó cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ…
Phương án tăng vốn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn thông qua 3 kênh: Giữ lại lợi nhuận; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu cho cổ đông tiềm năng. Ngoài ra, sáp nhập cũng được coi là một trong những phương án để ngân hàng tăng vốn. Tuy nhiên, đây sẽ là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ lắm các ông chủ ngân hàng mới phải sáp nhập.
Liên quan đến vấn đề tăng vốn theo chuẩn Basel II, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, việc tăng vốn của VietinBank nếu không được thực hiện trong quý I/2018, chỉ số CAR của ngân hàng sẽ ở dưới mức tối thiểu mà NHNN quy định và ngân hàng rất khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế.
Còn ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, tăng vốn điều lệ là vấn đề lớn đối với các NHTM, đặc biệt là NHTM nhà nước. Theo ông Thành, trong thời gian tới, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển kinh tế - xã hội thì rất cần có vốn, bởi hiện nay, CAR tối thiểu của các NHTM nhà nước nếu áp dụng theo quy định của NHNN đã ngấp nghé ngưỡng an toàn tối thiểu, còn nếu áp dụng theo Basel II chắc chắn sẽ không đủ theo chuẩn quốc tế.
Cho đến thời điểm hiện tại, phương án tăng vốn các ngân hàng đề xuất với NHNN vẫn ưu tiên là giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cùng với đó là phương án dùng các nguồn quỹ dự trữ để tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu…
Theo các chuyên gia, thực tế đã chứng minh, chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các NHTM trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Với Basel II, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp rủi ro. Do vậy, năm 2018 sẽ là năm bản lề để các NHTM có lộ trình rõ ràng đáp ứng các yêu cầu về chuẩn theo qui định của NHNN và chuẩn Basel II.