Nhiều giải pháp mới để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng
Với Thông tư này, những yếu kém của tổ chức tín dụng sẽ được giảm thiểu, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 04/2018/NHNN-TT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01/08/2017 quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018.
Trong đó, sửa đổi quan trọng nhất liên quan đến việc bổ sung áp dụng can thiệp sớm là biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng, bên cạnh các biện pháp như: khuyến nghị, cảnh báo; xử lý vi phạm hành chính; kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát khác.
Thông tư cũng bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng. Theo đó, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, tình hình hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hang, trình Thống đốc NHNN xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng lâm vào một trong các trường hợp quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đó là trường hợp các tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi NHNN giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện. Phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng phải bao gồm một hoặc một số biện pháp quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)....
Ngoài ra, Thông tư 04 cũng bổ sung quy định về việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng. Theo đó, trong quá trình theo dõi, căn cứ vào kết quả thực hiện phương án khắc phục, đơn vị thực hiện giám sát có quyền đề xuất tiến hành thanh tra đột xuất các ngân hàng.
Về cơ bản, Công ty chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng việc bổ sung thêm biện pháp can thiệp sớm vào các biện pháp giám sát ngân hàng là vô cùng cần thiết. Bằng cách đó, chi phí (cả thời gian và tiền bạc) để khắc phục những yếu kém của tổ chức tín dụng sẽ được giảm thiểu, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống.
Hơn thế nữa, khung pháp lý liên quan đến việc giám sát này cũng cần được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung liên tục nhằm theo kịp với thực tế của hoạt động ngân hàng. Điểm tiến bộ trong trong Thông tư quy định về các biện pháp giám sát ngân hàng hiện nay là bên cạnh phương pháp giám sát tuân thủ đã có các quy định khung về giám sát rủi ro để có thể từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt nhất về giám sát ngân hàng, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện giám sát có thể kết hợp giữa giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro.
"Dù chưa áp dụng được hoàn toàn nhưng việc Việt Nam bước đầu xây dựng được quy định khung về giám sát rủi ro cũng là điều hết sức cần thiết và đáng khích lệ" - BVSC nhìn nhận.