Ông Vũ Viết Ngoạn: "Vẫn có rủi ro tỷ giá nếu FII đảo chiều"
Nhận diện về kinh tế Việt Nam 2018 với các nền tảng và tín hiệu hết sức lạc quan, song Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ ông Vũ Viết Ngoạn vẫn khá thận trọng. Ông không quên "cảnh báo" một số yếu tố có thể tiềm ẩn rủi ro đối với kinh tế, đặc biệt là dòng tiền đầu tư qua thị trường vốn.
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đang nhận được nhiều hỗ trợ từ những diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước.
Trước hết, bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 đang cho thấy nhiều yếu tố thuận lợi. Bất chấp những rủi ro xảy ra như: Brexit, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bất ổn ở Trung Đông... nền kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến tích cực.
Sự hồi phục diễn ra khá đồng bộ ở hầu hết các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhìn rộng ra cả khu vực châu Á sau 2 thập kỷ trì trệ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trung Quốc không còn lo câu chuyện hạ cánh cứng mà từ 2017 đã tăng trưởng tốt hơn.
Bên cạnh đó, dù giá hàng hoá trên thị trường thế giới có dấu hiệu tăng cao hơn 2017, nhưng nhìn chung nhiều nhà kinh tế vẫn nhận định kinh tế thế giới tiếp tục giai đoạn lạm phát thấp (nhờ hiệu ứng của tiến bộ công nghệ giúp giảm chi phí sản xuất hàng hoá và các nền kinh tế mới nổi tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng). Điển hình cụ thể là giá dầu lửa sẽ khó tăng cao. Công nghệ dầu đá phiến cũng giúp neo giữ giá "vàng đen". Mặt khác, Mỹ cũng thay đổi chính sách tích lũy dầu mỏ sang xuất khẩu, giảm áp lực giá nguyên liệu chủ chốt cho mọi ngành công nghiệp trên toàn cầu.
Đây là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam khi lạm phát của Việt Nam chịu tác động khá lớn bởi giá cả trên thị trường thế giới.
Nhìn về nội lực và các điều kiện trong nước, TS Vũ Viết Ngoạn chia sẻ, những thành quả đạt được trong năm 2017 là nền tảng quan trọng tạo đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2018. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là con số mà là công cuộc cải cách đã được định hình cụ thể hơn, rõ nét hơn và trở thành xu thế. Lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế tiếp tục gia tăng.
"Ngoài ra, sẽ có một số nhân tố mới bổ sung nguồn sinh khí cho tăng trưởng kinh tế năm 2018, có thể kể đến như: tiến trình phục hồi kinh tế ngày một tốt hơn trong những năm qua; sự khởi sắc mạnh của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và ngành du lịch đang đà phát triển mạnh; kết quả của chương trình cải cách, sắp xếp bộ máy hành chính và sự nghiệp công, cùng với giải pháp tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tạo không gian chính sách mới để củng cố ngân sách nhà nước, tăng cường chính sách tài khoá; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết tại Chile ngày 9/3 sẽ là chất kích thích với kinh tế Việt Nam..." - ông Ngoạn nói.
Dù vậy, ngoài những thuận lợi trên, theo ông Vũ Viết Ngoạn, kinh tế Việt Nam năm 2018 cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, có thể kể đến như: Dù kinh tế thế giới được dự báo khởi sắc hơn 2017, song dựa trên diễn biến kinh tế thế giới mấy thập kỷ qua, không ít nhà kinh tế đã đưa ra cảnh báo chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới lặp lại trong khoảng 8-10 năm và lần gần nhất là 2009.
Thực tế là không ít rủi ro tiềm ẩn đang thách thức các nhà hoạch định chính sách trong năm 2018. Các cơ quan hoạch định chính sách không được quên bài học lạm phát bùng nổ năm 2007- 2008.
Cần lưu ý rằng kiểm soát sự hưng phấn quá khích của thị trường là một thách thức không hề nhỏ đối với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, nhất là khi thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có quy mô và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với 10 năm trước.
Nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải đối mặt với 2 thách thức không nhỏ, đó là: Phải cân bằng giữa mục tiêu thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng; mặt khác phải điều tiết dòng vốn vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản một cách hợp lý; dòng vốn ngoại tệ vào Việt Nam dự báo tiếp tục tăng khá trong năm 2018 có thể gây sức ép tăng giá VND đòi hỏi cơ quan tiền tệ phải linh hoạt, kịp thời trung hoà hoá lượng tiền trên thị trường để duy trì tỷ giá ở mức hợp lý, tránh ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu.
"Có thể nói lãi suất và tỷ giá là 2 biến số rất khó. Có 1 nhà kinh tế nói rằng nhà kinh tế không bao giờ dự báo, chỉ đưa ra dự báo khi được hỏi. Vì được hỏi, nên tôi trả lời rằng: Mục tiêu lãi suất với tư cách một công cụ tiền tệ là điều chỉnh lạm phát, giá cả. Lạm phát 2018 có sức ép nhiều hơn 2017 nhưng vẫn trong vòng kiểm soát, không đáng lo ngại. Năm nay điều kiện để giảm lãi suất so với 2017 là khó khăn khăn (sức ép lạm phát là có như nói trên, cùng với lãi suất USD có xu hướng tăng, mà chính sách tiền tệ của ta đang là chính sách đa mục tiêu giữ chênh lệch VND-USD ở mức độ nhất định, nếu lãi suất USD tăng sẽ làm thu hẹp chênh lệch này).
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng hiện nay còn nhiều khó khăn. Vì vậy các ngân hàng vẫn phải giữ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra hợp lý đủ để trang trải trích lập dự phòng, nợ xấu trước đây. Muốn giữ được lãi suất vì vậy phải hạ được lãi suất huy động. Hạ có làm thay đổi nguồn huy động, khiến dân chuyển kênh đầu tư? NHNN có giải quyết được bài toán rất khó này, trong bối cảnh hiện nay?" - TS Vũ Viết Ngoạn nói và "tự trả lời": "Với quyết tâm cao, các nhà quản lý vẫn có thể từ định hướng đến điều hành sao cho hệ thống NHTM sẽ thực thi giảm được một chút lãi suất trong năm nay!".
Về tỷ giá, theo TS Vũ Viết Ngoạn, nhìn cân đối ngoại tệ từ tài khoản vãng lai, thanh toán thương mại tổng thể của Việt Nam vẫn tích cực, có có khả năng ổn định tỷ giá. "Tuy nhiên cần lưu ý về đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán. Chỉ cần có 1 biến động, trong thời gian rất ngắn có đảo chiều dòng vốn, thì vẫn còn có những bất trắc, kể cả khi dự trữ ngoại hối của VN đã đạt trên mức kỷ lục gần 60 tỷ USD. Theo đó, mức độ dự trữ ngoại hối cần được tiếp tục tăng để Việt Nam tăng khả năng chống đỡ trước những cú sốc bên ngoài nếu có xảy đến" - ông nói.
Ngoài, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt thách thức không nhỏ khi với quy mô thương mại (xuất nhập khẩu) lớn gần gấp 2 lần GDP, lại đang thực thi mở rộng thương mại đa phương. Một chính sách thương mại linh hoạt, khôn khéo trong bối cảnh diễn biến phức tạp là một bài toán không đơn giản nhất là khi gần đây có những quốc gia không đi cùng mục tiêu tự do hóa thương mại và có xu hướng trở về bảo hộ.