Lại "nóng" chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Hàng nghìn tỷ đồng đã được doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn qua kênh trái phiếu thành công trong 3 tháng đầu năm 2018.
Không "ầm ĩ" sôi sùng sục như kênh cổ phiếu với giao dịch sơ, thứ cấp mạnh mẽ suốt năm 2017 và tiếp tục tăng trưởng qua các ngưỡng kỳ vọng ở 3 tháng đầu năm 2018, nhưng trái phiếu đã mang về hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp có năng lực phát hành.
Đi đầu và có lợi thế về kinh nghiệm phát hành trái phiếu, CTCK Sài Gòn (SSI, sàn HoSE) trong đầu năm 2018 đã phát hành thành công 1.150 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho một tổ chức nước ngoài. Trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, giá chuyển đổi dự kiến 31.000đ/cp, lãi coupon dự kiến 4%.
Cùng thời điểm tháng 1, thống kê tổng hợp của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) với nguồn HNX cho thấy, trên thị trường sơ cấp, trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành có lãi suất trúng thầu dao động từ 4,3%-5,7% tùy loại và kỳ hạn trái phiếu.
VBMA cũng thống kê trước đó, trong tháng 12/2017, CTCK Bản Việt (VCSC, mã chứng khoán VCI, sàn HoSE) đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Loại trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi với kỳ hạn 2 năm. Lãi suất trái phiếu tối đa không quá mức trung bình lãi suất huy động trung hạn của Vietinbank và BIDV cộng biên độ 4,5%.
Kế tiếp, VCSC mới đây cũng công bố Nghị quyết HĐQT về việc phát hành trái phiếu đợt 2/2018 theo phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ, trị giá huy động 800 tỷ đồng. Như vậy, với đợt phát hành mới lũy kế, VCSC sẽ có trên ngàn tỷ đồng để bổ sung cho nghiệp vụ kinh doanh của mình.
Tương tự SSI, VCI, các công ty chứng khoán như SHS, VDS... cũng đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu. Có thể thấy tùy từng loại trái phiếu và kỳ hạn, mà trái phiếu doanh nghiệp trong mỗi đợt phát hành sẽ có thể chốt mức lợi suất khác nhau. Nhìn chung, mức lợi suất trái phiếu doanh nghiệp mà chủ nợ phải trả cho loại tài sản có lãi suất ấn định này được ấn định trước và thấp hơn so với lãi suất vay cùng kỳ hạn qua kênh ngân hàng, không bao gồm yếu tố chi phí phát hành. Do đó, đây chính là kênh "ưa thích" của các nhà thành viên thị trường chứng khoán có nhu cầu vốn lớn phục vụ cho nhà đầu tư với các nghiệp vụ margin và cho chính hoạt động đầu tư của họ.
Dĩ nhiên, trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam, trong miếng bánh khiêm tốn trên mâm bánh tổng giá trị trái phiếu phát hành và lưu hành (phần lớn thuộc về trái phiếu Chính phủ), không phải là kênh ai cũng "chơi" được, huy động được, cũng không phải dành riêng cho nhóm CTCK. Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín, được kiểm toán minh bạch và có mối quan hệ tốt với mạng lưới các tổ chức đầu tư bao gồm ngân hàng và các đối tác riêng biệt trên thị trường trong, ngoài nước, có cơ hội lớn ở kênh huy động này.
Công ty Thành Thành Công Biên Hòa (SBT, sàn HoSE) thuộc Tập đoàn Thành Thành Công trong tuần trước 12/4, đã công bố sẽ phát hành 450 triệu trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng, huy động 450 tỷ đồng, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán, kỳ hạn là 1 năm kể từ ngày phát hành và đáo hạn vào năm 2019.
Trái phiếu SBT sẽ được phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có tiềm năng về tài chính; trong đó ưu tiên các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính và quỹ đầu tư thông qua đại lý phát hành. Trái phiếu dự kiến được chia thành nhiều đợt phát hành và bắt đầu là quý IV năm tài chính 2017-2018 với giá phát hành bằng 100% mệnh giá trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động của SBT và bổ sung vốn lưu động để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Được biết, SBT đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến, gặp gỡ các trái chủ tiềm năng để đảm bảo đợt phát hành thành công, căn cứ trên uy tín thương hiệu, chiến lược kinh doanh và phương án sử dụng vốn huy động được chi tiết, cụ thể. Nếu thành công, đây sẽ là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh huy động thành công trái phiếu với đợt phát hành trị giá lớn.
Dự báo về kênh trái phiếu doanh nghiệp ở năm nay, chuyên gia Lê Ngọc Hoàn cho rằng mùa Đại hội cổ đông tháng 4/2018 chắc chắn sẽ chứng kiến không ít kế hoạch phát hành huy động vốn bằng công cụ nợ có lãi suất ấn định này. Đặc biệt với nhóm CTCK đang có nhu cầu vốn để "bơm" margin khi thị trường đang nóng, và nhóm các Công ty Địa ốc có nhu cầu vốn dài hạn cho phát triển các dự án, trong khi vốn tín dụng sẽ bị siết lại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, rủi ro cho kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp là giao dịch thứ cấp còn yếu, tính thanh khoản không cao, do đó đây vẫn là sân chơi hẹp của "người chơi" quen thuộc. Với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh chưa tốt, cơ hội huy động qua trái phiếu lại còn hẹp hơn và áp lực trả nợ gốc lẫn lãi khi đến kỳ đáo hạn trái phiếu tương lai càng lớn.
Một chuyên gia cho rằng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, trong nhiều trường hợp khi doanh nghiệp chưa đủ "lớn", thì bên cạnh lợi suất trái phiếu phải hấp dẫn, doanh nghiệp cũng phải tính đến phương án phát hành trái phiếu lại có tài sản đảm bảo, mới có cơ hội thành công.