"PNJ không có lợi ích trong vụ việc DongABank"
Đây là khẳng định của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, sàn HoSE) trong đại hội cổ đông thường niên 2018.
Chia sẻ với cổ đông về vấn đề liên quan đến Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), nơi PNJ đã tham gia góp vốn cổ phần đầu tư thời gian trước, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ khẳng định không có ảnh hưởng đến PNJ, nếu PNJ có liên quan thì đến nay đã không thể trụ vững được.
“PNJ không có một lợi ích nào trong vụ việc này, PNJ là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Trong một tháng nhiều ngân hàng không giải ngân, Công ty phải vay mượn của bạn bè và nhân viên. Hôm nay, sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn đó, nhiều cổ đông vẫn có niềm tin và ủng hộ PNJ, đưa PNJ phát triển như bây giờ”, bà Dung nói.
Không có lợi ích nhưng không mất trắng khoản đầu tư, cũng là điều bà Dung đã khẳng định trong kỳ đại hội cổ đông năm trước. Trên sổ sách của PNJ, khoản đầu tư vào DongABank thể hiện tích cực hơn khi với lỗ thuần tài chính của PNJ đã giảm. Chứng khoán HSC ghi nhận, lãi thuần tài chính PNJ cụ thểtừ 176,1 tỷ đồng trong năm 2016 đã xuống 47,5 tỷ đồng, nhờ chi phí dự phòng đầu tư dài hạn giảm. Trong năm 2016, PNJ đã trích lập 84,7 tỷ đồng dự phòng đầu tư dài hạn tại Ngân hàng Đông Á, nhưng trong năm 2017 không phát sinh khoản chi phí tương tự. Trong năm 2016, PNJ cũng đã hoàn tất trích lập dự phòng tổng cộng 395 tỷ đồng đối với khoản đầu tư tại Ngân hàng Đông Á.
Mặc dù có cổ đông đề nghị không phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ, đại hội cổ đông của PNJ đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 54 triệu cp trị giá hơn 540 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ với mệnh giá 10,000 đồng/cp trong năm 2018. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành là 1,621 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2017.Ngoài ra, Công ty cũng trình và được cổ đông thông qua việc phát hành hơn 4.8 triệu cổ phiếu cho người lạo động, tương đương 3% tổng số cổ phiếu đang lưu hành sau khi phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với giá phát hành 20,000 đồng/cp. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành ESOP là hơn 1,670 tỷ đồng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cũng cho biết kế hoạch phát hành này sẽ làm pha loãng trên toàn thể cổ đông, chứ không phải làm mất quyền lợi cổ đông và bất lợi về tăng vốn chủ sở hữu và giảm EPS sẽ thuộc về công ty - PNJ chấp nhận áp lực đó và vẫn đảm bảo mức chia cổ tức tốt.
Theo đó, cổ đông PNJ thông qua mức chi trả cổ tức cho năm 2017 là 20%. Trong đó đã tạm ứng 10% đợt 1 và 8% đợt 2 trong năm 2017. Tới đây, Công ty sẽ chi trả cổ tức đợt 3 với tỷ lệ 2% còn lại.
Đại hội cổ đông PNJ 2018 bên cạnh vấn đề nóng xoay quanh vụ việc DongABank, cũng chứng kiến sự thay đổi khá lớn về nhân sự. PNJ trình và được cổ đông thông qua việc tăng số lượng thành viên HĐQT từ 8 lên 9 thành viên. Trong đó tối thiểu 3 thành viên là Thành viên HĐQT độc lập. Các thành viên HĐQT không được tham gia góp vốn vào các công ty vàng bạc đá quý khác.
Trước kỳ đại hội, HĐQT PNJ đã công bố Nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Lê Trí Thông – Phó chủ tịch HĐQT làm Tổng giám đốc của PNJ. Việc bổ nhiệm này có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2018. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc là 5 năm được tính từ ngày việc bổ nhiệm có hiệu lực. Theo đó, bà Cao Thị Ngọc Dung chính thức rời vị trí CEO sau nhiều năm đảm trách ghế nóng.
PNJ đã đạt được kết quả kinh doanh tích cực ở 2017 với lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 725 tỷ đồng, tăng trưởng tới 61%. Giá cổ phiếu của PNJ cũng đã tăng ngoạn mục lên tới mốc gần kỷ lục 180.000đ/cp.
Năm 2018, PNJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 13,727 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 1,100 tỷ đồng và sau thuế hơn 882 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 21% và 22% so với năm 2017. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 18%.