Nhờ đâu các ngân hàng lãi khủng quý 1/2018?
Đến nay phần lớn các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2018. Trong đó, nhiều ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá lớn trong khoảng thời gian này.
Ngân hàng Vietinbank (mã chứng khoán CTG) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2018 và công bố báo cáo tài chính quý 1/2018. Theo đó, năm 2018 VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10-12% so với năm trước. Dư nợ tín dụng tăng 14%, các tỷ lệ khác tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). VietinBank cũng lên kế hoạch xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán VAMC trong đầu năm 2018.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng nguồn vốn, thanh khoản của ngân hàng này tốt nhất trên thị trường Việt Nam. Ban lãnh đạo đã cơ cấu nguồn vốn nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Theo đó, VietinBank đã có những bứt phá tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm 2018, tổng tài sản đến cuối quý 1 tăng 1,6% lên mức 1,112 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 3,3%, cao hơn mức trung bình toàn ngành (2,23%), đạt khoảng 868.000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tập trung từ thị trường vốn. Như vậy, lợi nhuận trước thuế quý 1 của Vietinbank khoảng trên 3.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE lần lượt ở mức 1,12% và 15,3%.
Vietcombank (mã chứng khoán VCB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018. Theo đó, trong quý đầu năm 2018, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.197 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng khá mạnh với 35,5% đạt 881 tỷ đồng. Lãi từ chứng khoán kinh doanh cũng tăng tới 166% lên 277 tỷ đồng.
Đặc biệt, lãi từ hoạt động khác đem về cho Vietcombank tới 1.602 tỷ đồng lãi thuần chỉ trong 1 quý, tăng hơn 1.000 tỷ so với quý 1 năm ngoái. Ngân hàng ghi nhận 4.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 59% so với quý 1/2017. Như vậy, Vietcombank đã hoàn thành được 31% kế hoạch năm dù mới chỉ qua 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, tổng tài sản của Vietcombank đến cuối quý 1/2018 là 1,003 triệu tỷ đồng, giảm 3,1% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi tại NHNN và cho vay tại các TCTD khác giảm mạnh.
Trong khi đó, HDBank (mã chứng khoán HDB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng, lợi nhuận quý 1/2018 đạt 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017. Trong đó, lợi nhuận riêng lẻ của HDBank đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch 2018. ROA đạt 1,5%; ROE đạt 19,2.%. Nợ xấu được kiểm soát chặt ở mức rất thấp, chỉ chiếm 1,22%.
Trong quý 1/2018, doanh thu hoạt động riêng của ngân hàng MB cũng đạt 3.679 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.746 tỷ đồng, đóng góp đến 28% lợi nhuận mục tiêu trong 2018. Trong đó, doanh thu cốt lõi từ thu nhập lãi tăng 30% so với cùng kỳ, thu nhập ngoài lãi gồm phí và dịch vụ tăng trưởng 68% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng riêng lẻ tăng trưởng 5%, tương ứng đạt được 89% mục tiêu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu của MB trong 3 tháng đầu năm 2018 được kiểm soát ở mức 1,39%. Tỷ lệ trích lập dự phòng/ tổng doanh thu hoạt động, hiện ở mức 27% do các trích lập dự phòng từ trái phiếu VAMC không còn trong năm nay và chất lượng nợ lại tiếp tục được cải thiện.
LienVietPostBank là trường hợp khá hiếm hoi khi thu nhập lãi thuần giảm so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ giảm trích lập dự phòng nên lợi nhuận nhà băng này vẫn tăng 8% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng cao hơn tăng trưởng huy động. Nhưng tại khá nhiều ngân hàng, việc huy động vốn lại tăng nhanh hơn như LienVietPostBank, Techcombank, VPBank,... Theo công bố của BIDV trong cuộc họp cổ đông ngày 21/4, ngân hàng này cho biết tăng trưởng huy động và tín dụng lần lượt đạt 3,3% và 1,3% đến cuối quý 1/2018. Nếu trừ đi phần xử lý nợ, tăng trưởng tín dụng là 2,3% và theo đại diện ngân hàng mức chênh lệch trên là hợp lý trong bối cảnh chung khi NHNN đã tăng lượng lớn tiền đồng sau khi mua vào ngoại tệ.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, sở dĩ lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh là do trong những năm qua, các ngân hàng đã phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, cổ đông cũng không được chia cổ tức... Nay phần đã trích lập được hoàn nhập, tạo nên lợi nhuận được gọi là bất thường cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn cũng đem đến nguồn lợi nhuận lớn cho một số ngân hàng, chẳng hạn Vietcombank đã thu về hơn 513,14 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại Saigonbank, Công ty Tài chính xi măng, đấu giá cổ phần OCB... Ngoài ra, các ngân hàng cũng áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt ngay trong quý 1/2018 một phần do diễn biến của nền kinh tế đang theo chiều hướng thuận lợi cho hoạt động ngành ngân hàng. Ngoài ra, phải kể tới các yếu tố như quá trình xử lý nợ xấu được cải thiện nhờ Nghị quyết 42, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tích cực…Đây cũng là tiền đề để các ngân hàng thu hoạch lợi nhuận khủng.