Nở rộ “xào nấu” số liệu tài chính
Mùa Đại hội cổ đông 2018, bên cạnh nhiều kết quả kinh doanh khả quan, các nhà đầu tư còn thực sự ngỡ ngàng sau khi các báo cáo tài chính được kiểm toán có sự thay đổi đáng kể.
Điều đáng nói là tình trạng lập lờ số liệu ngày càng nghiêm trọng.Sai sót khi lập báo cáo tài chính là chuyện bình thường, luôn được nhà đầu tư thông cảm nếu có lý do chính đáng và chênh lệch không lớn. Những trường hợp này năm nào cũng có.
Lập lờ con số
Điển hình trong mùa đại hội cổ đông năm nay là trường hợp ở CTCP Sông Đà 7 (SD7). Báo cáo kiểm toán đã chuyển khoản lãi 37 triệu đồng thành lỗ gần 18 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do khoản mục “chi phí khác" bị điều chỉnh tăng gần bằng con số lỗ. Sở dĩ SD7 hạch toán như vậy là do muốn “phù phép” một khoản lãi khiêm tốn nhằm tránh bị hủy niêm yết.
Nhẹ hơn SD7, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lãi, nhưng kết quả đã từ con bò biến thành con kiến. Gỗ Trường Thành (TTF) báo lãi hơn 26 tỷ đồng trong năm 2017, sau kiểm toán, chỉ còn hơn 2 tỷ đồng. CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng mất gần 90% lợi nhuận sau khi kiểm toán. Ngoài ra, tại Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Tcty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Vấn đề chính ở đây, là doanh nghiệp đã không ghi nhận đủ giá vốn và tự tăng doanh thu không theo đúng chuẩn kế toán.
Lập lờ số liệu để tô hồng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thì nhan nhản. Nhưng để làm lợi riêng cho một nhóm cổ đông, thì trường hợp của CTCP Chiếu Xạ An Phú (APC) là nổi bật hơn cả. Nhà đầu tư phát hiện khoản tiền mặt trong báo cáo kiểm toán của APC giảm 75 tỷ đồng. Đây là khoản trả trước cho một doanh nghiệp mới thành lập ở nước ngoài được vài tháng. Vấn đề chỉ dừng lại ở đó nếu không có một doanh nghiệp mới toanh khác tương tự, được lãnh đạo APC chọn làm đối tác mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá rẻ như cho. Việc lập lờ số liệu và thông tin, nhằm mang lại lợi ích về giá cổ phiếu cho một nhóm cổ đông khiến cổ đông bức xúc. Giá cổ phiếu APC giảm mạnh sau đó, kéo theo giá trị vốn hóa APC mất gần một nửa.
Nghiên cứu kỹ trước khi rót vốn
Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư – CTCP Chứng khoán Maybank KimEng (MBKS), chuyện sai lệch số liệu sau kiểm toán không mới. Tuy nhiên, vấn đề năm nay đáng chú ý hơn vì nhiều Cty có quy mô lớn cũng mắc phải.
Ông Phan Dũng Khánh cho biết, đa phần các doanh nghiệp đều có ít nhất hai hệ thống báo cáo tài chính. Một để lãnh đạo biết thực hư tình hình doanh nghiệp, một để báo cáo thuế. Với các Cty cổ phần thì có bản riêng để báo cáo cổ đông. “Nếu kiểm toán làm việc công tâm thì các sai lệch có chủ ý sẽ được phơi bày”, ông Khánh nhận xét.
Giám đốc một Cty chứng khoán tại TP.HCM chia sẻ, trước đây việc doanh nghiệp thương lượng với các Cty kiểm toán, để xử lý số liệu trên báo cáo tài chính theo ý muốn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên gần đây, hoạt động kiểm toán bị các cơ quan chức năng siết chặt hơn. Do đó các sai sót xuất hiện nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.
Vị này cho biết, những Cty làm ăn kém hiệu quả mà chủ yếu do năng lực lãnh đạo yếu kém sẽ thường xảy ra sai lệch số liệu quan trọng. Suy cho cùng, đây cũng là ý muốn của lãnh đạo doanh nghiệp vì kế toán trưởng chỉ là người làm công ăn lương. Bởi vậy, trách nhiệm từ những vụ sai lệch này đều thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp đó. Để tránh trường hợp lợi nhuận doanh nghiệp bay hết sau một đêm, nhà đầu tư và cổ đông cần theo dõi các phát ngôn và cam kết của lãnh đạo trên các kênh truyền thông. Theo ông, lãnh đạo làm không đúng như lời hứa khi tuyên bố thì khả năng rất cao, báo cáo tài chính kỳ đó không trung thực.
Ngoài ra, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, hiện nay nhà đầu tư cần phải nghiên cứu thông tin về doanh nghiệp kỹ hơn trước khi rót vốn. “Đặc biệt, cổ đông nên nghiên cứu kỹ báo cáo tài chính và kế hoạch kinh doanh, sau đó chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên qua những kênh tiếp cận mà họ có thể”, ông Khánh đưa ra lời khuyên.