Ngành ngân hàng hứa hẹn năm 2018 với kết quả khởi sắc

Phương Hà 14/05/2018 11:15

Đến nay, mùa Đại hội cổ đông của các ngân hàng đã đi qua với kết quả kinh doanh quý I/2018 rất tích cực, hứa hẹn một năm kinh doanh khởi sắc của ngành này.

Ngành ngân hàng kinh doanh khởi sắc được hưởng lợi từ chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước

Ngành ngân hàng kinh doanh khởi sắc nhờ chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đột biến

Báo cáo tài chính quý I/2018 đã được các ngân hàng công bố với kết quả kinh doanh tích cực. Trong quý I/2018, tổng thu nhập của ngành tăng trưởng khoảng 35%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khoảng 52%. Theo các chuyên gia, đây là mức tăng trưởng ấn tượng của ngành trong rất nhiều năm qua, nhất là sau giai đoạn tái cấu 5 năm lần một 2012-2016.

Ông Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hầu hết các ngân hàng đều có mức tăng trưởng đột biến so với năm 2017, cho thấy sự khởi sắc này không nằm ngoài dự kiến của các ngân hàng, trừ một số ngân hàng như EIB, MBB, VCB, LVB, chủ yếu liên quan đến hoạt động thoái vốn của các ngân hàng.

Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh quý I/2018 đều trên 25% kế hoạch, cho thấy hầu hết các ngân hàng có khả năng vượt kế hoạch kinh doanh trong năm nay.

Các ngân hàng "top đầu” nhóm ngân hàng TMCP như ACB, VCB, BIDV... đều có tăng trưởng thu nhập lãi khả quan, hầu hết đều xoay quanh mức bình quân khoảng 80%.

Điển hình là VCB đã tăng trưởng tới 59%, tiếp tục cán mức kỷ lục mới 4.359 tỷ đồng. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng lại đến từ việc thu hồi các khoản nợ ngoại bảng, với phần tăng thêm so với cùng kỳ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Techcombank cũng báo lãi vượt 2.000 tỷ đồng nhờ không còn mạnh tay trích lập dự phòng như cùng kỳ kèm việc ghi nhận một khoản lãi từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn. Trong đó, nhiều khả năng khoản lãi trên đóng góp chính từ giao dịch bán TechcomFinance và không còn ghi nhận đây là công ty con của ngân hàng từ quý I/2018.

Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã mở rộng hoạt động. TPBank mặc dù có dư nợ tín dụng ở mức khá khiêm tốn nhưng lại lấy đà nhanh ngay từ đầu năm, với 6.300 tỷ đồng dư nợ đã tăng thêm trong quý I/2018, tương đương mức tăng trưởng trên 10%.

Theo công bố của BIDV trong cuộc họp cổ đông vừa qua, ngân hàng này cho biết tăng trưởng huy động và tín dụng lần lượt đạt 3,3% và 1,3% đến cuối quý I/2018. Nếu trừ đi phần xử lý nợ, tăng trưởng tín dụng là 2,3% và theo đại diện ngân hàng này, mức chênh lệch trên là hợp lý trong bối cảnh chung khi NHNN đã tăng lượng lớn tiền đồng sau khi mua vào ngoại tệ.

Hưởng lợi từ chính sách gì?

Bà Nguyễn Thị Phương Lam – Chuyên viên phân tích ngành Ngân hàng của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ngành ngân hàng cũng phụ thuộc vào chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế, khi nền kinh tế khởi sắc thì kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng khởi sắc. Cổ phiếu ngành ngân hàng trong rổ VN-Index chiếm 25% tỷ trọng vốn hóa thị trường, cho thấy ngành ngân hàng có vị thế rất quan trọng trên thị trường chứng khoán.

Bà Lam cũng cho biết thêm, hầu hết tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đều “nở ra” trong năm 2017, và xu hướng này có khả năng tiếp diễn trong năm 2018. Vì các ngân hàng đang cơ cấu lại danh mục cho vay hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đây là nhóm khách hàng có lãi suất vay tốt hơn và điều này giúp cho NIM của ngân hàng cao hơn.

Trong cơ cấu cho vay khách hàng cá nhân, chiếm tỷ trọng tương đối lớn tập trung vào cho vay mua nhà, mua xe. Khi nhìn vào chu kỳ bất động sản thì cuối năm 2017, đầu năm 2018, các khoản vay chuyển sang chế độ lãi suất bình thường. Do vậy, theo đánh giá của VDSC, NIM của ngân hàng cũng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2018, và sẽ ảnh hưởng tích cực đến thu nhập lãi của ngân hàng.

Bà Lam nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh quý I/2018 của ngành ngân hàng tiếp tục khởi sắc là nhờ yếu tố gắn với chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế, cộng với sự hậu thuẫn lớn từ chính sách của NHNN. Từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực, NHNN đã nới lỏng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dẫn đến thu nhập lãi cũng như kết quả kinh doanh của ngân hàng bắt đầu khởi sắc.

Sau đó, Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2016/TT-NHNN ra đời, thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh về mức 45% trong năm 2018 và 40% từ năm 2019. Điều này đã làm dư nợ cho vay trung dài hạn giảm và các ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn nhiều hơn.

Năm 2017 là năm thứ 2 mà NHNN thực hiện tái cơ cấu giai đoạn hai, việc đẩy mạnh thu hồi nợ được thực hiện, do đó nợ xấu ngành được kiểm soát tốt, đến cuối năm 2017 đã về mức 2,46%. Đặc biệt, tỷ lệ thu hồi nợ bán qua VAMC khoảng hơn 23%. Bên cạnh đó, tiến độ thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng đã được đẩy mạnh với sự ra đời của Nghị quyết 42 của Quốc hội, nhất là sau khi VAMC quyết định mua nợ theo giá thị trường...

Phương Hà