Mặt trái tín dụng tiêu dùng

Ninh Kiều 03/06/2018 11:09

Hàng chục triệu khoản tín dụng tiêu dùng nhỏ là động lực lớn góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt thì rủi ro từ các khoản vay này không phải là nhỏ.

Báo cáo của NHNN tính tới cuối năm 2017 cho thấy, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trong nền kinh tế đã tăng gấp 4,8 lần, từ khoảng 230.000 tỷ đồng năm 2012 lên 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng của tín dụng tiêu dùng cũng tăng từ 8% tổng dư nợ lên 17% trong giai đoạn này. Trong đó, riêng 16 Cty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường đóng góp 8,2% tổng dư nợ toàn thị trường năm 2017.

p/Thị trường tài chính tiêu dùng dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và thấp chủ yếu tập trung vào tay của Fe Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential.

Thị trường tài chính tiêu dùng dành cho khách hàng có thu nhập trung bình và thấp chủ yếu tập trung vào tay của Fe Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential.

Lãi suất “cắt cổ”

Hiện tại, thị trường tài chính tiêu dùng dành cho nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp chủ yếu tập trung trong tay của FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential. Trong đó, FE Credit chiếm hơn 50% thị phần, Home Credit và HD Saison chiếm 38% và 12 Cty còn lại chia nhau 12% thị phần còn lại. Sự lấn lướt của 4 “ông lớn” này chiếm gần 90% thị phần, có thể mang lại rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Khi người tiêu dùng có ít sự lựa chọn hơn, thì cũng sẽ phải chịu thiệt phần nào. Trước mắt, sự thiệt thòi đó nằm chính ở lãi suất cho vay. Mức lãi suất trung bình hiện tại của các Cty tài chính tiêu dùng đang dao động từ 30%-50%/năm, một mức lãi suất mà nhiều người tiêu dùng vẫn coi là “cắt cổ”. Tất nhiên, mức lãi suất này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với “tín dụng đen”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường vẫn cần phải có sự cạnh tranh của nhiều Cty tài chính hơn nữa để đưa lãi suất xuống thấp hơn. Theo ông Nghĩa, nếu không có áp lực cạnh tranh thì các Cty tài chính tiêu dùng sẽ không có động lực để tìm cách giảm chi phí hoạt động và tìm nguồn vốn huy động rẻ hơn.

“Bóng ma” nợ xấu

Lãi suất cho vay cao, và tất cả đều là những khoản vay tín chấp không có tài sản bảo đảm sẽ dẫn đến một rủi ro khác lớn hơn rất nhiều, đó là nợ xấu. Không thể phủ nhận rằng vấn đề quản trị rủi ro hiện tại vẫn đang được các Cty tài chính làm khá tốt. Điều đó được thể hiện ở mức nợ xấu vẫn trong vòng kiểm soát quanh mức 5%. Cụ thể, cuối năm 2017, FE Credit có tỉ lệ nợ xấu ở mức 4,6%, HD Saison là 5,2% và Home Credit là 3,7-4%. Tỷ lệ nợ xấu này là mức chấp nhận được trong bối cảnh tín dụng tiêu dùng của các Cty tài chính tiêu dùng chủ yếu là cho vay tín chấp, xét duyệt nhanh, đơn giản và mức lợi nhuận mang về khá cao đủ bù đắp cho những khoản cho vay bị mất.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều cảnh báo rằng, trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do không có tài sản thế chấp và rất nhạy cảm với biến động kinh tế vĩ mô. Bài học về những khoản nợ xấu từ tài chính tiêu dùng dưới chuẩn tại Hàn Quốc, Nhật Bản,... trong những thập kỷ trước có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Cũng chẳng phải nói đâu xa, trong giai đoạn năm 2008-2011, kinh tế Việt Nam đã phải chịu hậu quả nặng nề của tăng trưởng tín dụng nóng trong thời gian dài luôn trên 30%/năm, phần lớn chảy vào lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản. Hệ quả là mức nợ xấu đã tăng lên hơn 17% tính tới cuối năm 2012, kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng và nhiều khoản nợ xấu tới nay vẫn chưa giải quyết được.

Tăng cường kiểm soát

Giữa tháng 5 vừa qua, NHNN đã có công văn gửi các TCTD yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây được coi là lời cảnh báo gửi tới các Cty tài chính tiêu dùng trước những rủi ro tiềm ẩn, trong bối cảnh nhiều khách hàng có đơn khiếu nại rằng họ không được tư vấn đầy đủ khi vay, hoặc thậm chí việc thẩm định khả năng trả nợ của họ cũng không đúng sự thật.

Tuy nhiên theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, không thể vì rủi ro tiềm ẩn mà lại hạn chế cho vay tiêu dùng. Biện pháp cần thiết nhất bây giờ là NHNN cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý các Cty tài chính, nhất là các quy định về chuẩn an toàn cũng như những sản phẩm mới như cho vay ngang hàng.

Ngoài ra, do đặc điểm của tài chính tiêu dùng là rủi ro cao và chịu ảnh hưởng lớn từ biến động kinh tế vĩ mô, NHNN cũng cần có những biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ để hạn chế tình trạng khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi kinh tế có dấu hiệu khó khăn như đã từng xảy ra tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Một giải pháp nữa là tạo điều kiện cho các Cty tài chính tiêu dùng mới có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc quyền của một số ít “ông lớn” hiện nay. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

Ninh Kiều