Siết mua trái phiếu đảo nợ ngân hàng

Hà Phương 24/06/2018 11:23

Thời gian qua đã có một số ngân hàng lợi dụng kẽ hở mua trái phiếu nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ bị chặn lại bởi quy định mới đây của NHNN.

NHNN vừa ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN nhằm siết chặt việc các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp…

Có thể bạn quan tâm

  • Cấm cho vay đảo nợ: Bức tranh nợ xấu sẽ thực chất hơn!

    15:29, 20/02/2017

  • Cấm đảo nợ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn

    14:51, 05/12/2016

  • Áp lực trả nợ tăng, Chính phủ đẩy mạnh vay đảo nợ

    11:45, 07/08/2017

br class=

CTCP Hoàng Anh Gia Lai vừa thông báo phát hành thành công 930 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng. Ảnh: S.T

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trường hợp CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới đây đã gây sốc cho thị trường khi thông báo phát hành thành công 930 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng. Theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng, đây là giải pháp đảo nợ được HAGL và chủ nợ (một ngân hàng thương mại) tiến hành, bởi doanh nghiệp này đang nợ các ngân hàng lên tới gần 26.000 tỷ đồng. Nếu không “đảo nợ”, HAGL có thể lâm vào tình thế khó khăn, gây sức ép không chỉ với doanh nghiệp mà với cả ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, còn ngân hàng cần giảm thiểu nợ xấu, thì việc cho vay đảo nợ dường như có lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất cho biết, khi kinh tế còn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận không nhiều thì doanh nghiệp không thể có tiền để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Rõ ràng nhu cầu vay đảo nợ của doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng thêm khi nền kinh tế khó khăn, nợ xấu chưa giảm và lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Theo luật sư Vũ Văn Tiền, Văn phòng luật sư Ánh Dương, việc cho vay đảo nợ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc báo cáo về tình trạng nợ xấu của các ngân hàng không được phản ánh một cách chính xác. Ngoài ra, các TCTD có thể nới lỏng hơn trong việc cho vay vì nếu cần thiết có thể đảo nợ.

Ngân hàng hay doanh nghiệp gặp khó?

Theo Thông tư số 15/2018/TT-NHNN, một số nội dung về mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan, tình hình thực tế về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và để tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Theo đó, toàn bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, việc phát hành trái phiếu đảo nợ như “con dao hai lưỡi”. Do đó, việc NHNN ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN được đánh giá cao, bởi khi đó chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu, sức khỏe của ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận thực chất hơn.

Tuy nhiên, quyết định này của NHNN chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các “ông lớn” đang có khoản nợ lớn ở các TCTD như ngồi trên đống lửa. Hoạt động kinh doanh sẽ càng căng thẳng hơn khi doanh nghiệp không phát hành trái phiếu mới để đảo nợ hoặc kéo dài thời gian cho các khoản nợ cũ.

Ngoài ra, Thông tư số 15/2018/TT-NHNN có thể sẽ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp sắp đến kỳ trả nợ. Trên thực tế, trong lĩnh vực kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp làm ăn tốt) cũng gặp thuận lợi về thị trường, khách hàng, nhà cung cấp hay môi trường đầu tư kinh doanh... Do đó, việc siết chặt các quy định về phát hành trái phiếu đảo nợ, có thể sẽ khiến doanh nghiệp đang gặp khó khăn bị mất cơ hội phục hồi, chỉ vì thiếu vốn.

Hà Phương