Rộng cửa cho MSME tiếp cận vốn vay

Phương Hà 15/07/2018 12:14

Trong khi thị trường nợ của Việt Nam chưa phát triển, thì cam kết tài trợ dài hạn của IFC như tiếp sức cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). 

 Ngày 6/7, tại trụ sở TPBank đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng cho vay hợp vốn dài hạn với giá trị lên tới 100 triệu USD giữa IFC và TPBank. (Ảnh: IFC)

Ngày 6/7, tại trụ sở TPBank đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng cho vay hợp vốn dài hạn với giá trị lên tới 100 triệu USD giữa IFC và TPBank. (Ảnh: IFC)

Mới đây IFC đã cung cấp một khoản vay hợp vốn (cho vay đồng tài trợ) trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Nhiều chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    10:36, 15/07/2017

  • Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    05:50, 12/10/2017

  • Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo

    Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo

    15:21, 13/03/2017

  • Hàng loạt chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Hàng loạt chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    15:04, 13/03/2017

Cam kết tài trợ dài hạn

Gói tài trợ do IFC thu xếp này sẽ giúp TPBank mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các MSME và các khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số.

Đại diện lãnh đạo của IFC cho biết, các MSME của Việt Nam đang cần khoản tài trợ cho vốn hoạt động trị giá 23,6 tỷ USD, tương đương 12% GDP, trong khi các doanh nghiệp này đang sử dụng khoảng 77% lực lượng lao động của Việt Nam và đóng góp khoảng 41% GDP.

Trong bối cảnh đó, cam kết tài trợ dài hạn của IFC sẽ giúp TPBank tăng gấp đôi danh mục cho vay MSME trong 5 năm tới, cung cấp hơn 1,8 tỷ USD cho khoảng 46.000 khoản vay vào năm 2022. Đáng chú ý, 65% các giao dịch này sẽ được thực hiện qua phương thức số.

Gói tài trợ trên bao gồm 60 triệu USD từ IFC, 22,5 triệu USD từ Chương trình danh mục đầu tư đồng cấp vốn được quản lý (MCPP) tập hợp các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý và 17,5 triệu USD từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, chi nhánh Hồng Kông.

Gói hỗ trợ này sẽ cải thiện tính cạnh tranh của khu vực ngân hàng Việt Nam thông qua việc thúc đẩy một nền kinh tế phi tiền mặt với các sản phẩm và dịch vụ mang tính đổi mới và cạnh tranh. Khoản tài trợ cũng được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra khoảng 35.000 đến 56.000 việc làm trong vòng 5 năm tới.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, thông qua gói tín dụng của IFC, các doanh nghiệp MSME có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế thông qua các ngân hàng trong nước. Đây thực sự là tin vui cho khối doanh nghiệp này khi khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước…

Cơ hội cho ngân hàng và doanh nghiệp

Số doanh nghiệp MSME hiện chiếm tỷ lệ 97% trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như mặt bằng sản xuất, thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn vay.

Theo thống kê, chỉ có 30% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp SME đang hoạt động tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, với tổng vốn vay chỉ chiếm 3% tổng dư nợ tín dụng. Nguồn vốn dài hạn cho các doanh nghiệp SME ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất và thương mại ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn tăng cao, cần thêm khoảng 374 ngàn đơn vị nhà ở mỗi năm cho các hộ gia đình tại các thành phố lớn.
Trước những thách thức này, cam kết tài trợ dài hạn của IFC sẽ giúp các ngân hàng tại Việt Nam tăng gấp đôi danh mục tài trợ cho các doanh nghiệp MSME.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết: “Việt Nam đang rất cần những khoản tài trợ dài hạn do thị trường nợ chưa phát triển đã hạn chế các kênh huy động nguồn vốn của các TCTD. Khoản vay hợp vốn từ IFC và các ngân hàng quốc tế sẽ giúp các ngân hàng nói chung mở rộng danh mục khách hàng doanh nghiệp SME.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết: “Khoản cho vay hợp vốn là một mốc quan trọng đối với các NHTMCP tư nhân tại Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn vốn tài trợ dài hạn từ các đối tác nước ngoài, giúp các ngân hàng có điều kiện phát triển các sản phẩm tài chính dài hạn như cho vay thế chấp nhà ở hỗ trợ doanh nghiệp MSME. Bên cạnh đó, khoản vay này cũng hỗ trợ giải quyết các mục tiêu phát triển của Việt Nam như tạo thêm nhiều việc làm, phát triển doanh nghiệp MSME và đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa.”

Phương Hà