Rủi ro tiềm ẩn từ cho vay ngang hàng
Hàng trăm Cty cung cấp dịch vụ kết nối vay tiền trực tuyến ở Trung Quốc đã đóng cửa là hồi chuông cảnh báo cho những rủi ro lớn về nợ xấu của loại hình dịch vụ này tại Việt Nam.
Cho vay ngang hàng là hình thức một Cty công nghệ cung cấp sẵn một nền tảng trực tuyến để kết nối người có nhu cầu vay tiền với người cho vay, với các thủ tục xét duyêt và thẩm định cho vay cực kỳ đơn giản chỉ trong vòng vài chục phút. Chính vì vậy, việc kiểm soát nợ xấu gần như là không có.
Ông Trương Thanh Đức, Luật sư Cty Luật Basico: Rủi ro lớn nhất của mô hình cho vay ngang hàng là lãi suất cao, và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu sức ép rất lớn khi bị đòi nợ. Nếu các Cty cho vay ngang hàng chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết. |
Sụp đổ ở Trung Quốc
Tuần trước, Jinyinmao, một Cty cung cấp nền tảng công nghệ tài chính có trụ sở chính tại Thượng Hải, và cũng là một trong những nền tảng cho vay ngang hàng lớn nhất Trung Quốc, đã phải tuyên bố đóng cửa. Lý do được Jinyinmao giải thích trong một thông báo là do các nhà đầu tư thiếu niềm tin nên đã ồ ạt rút vốn.
“Một số người vay tiền đã mất khả năng trả nợ làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động của chúng tôi và rút cạn thanh khoản,” Jinmyinmoa ám chỉ tới nợ xấu đang tăng từ hình thức cho vay ngang hàng.
Có thể bạn quan tâm
Startup tài chính Tima chia bí quyết gọi vốn gần 1 tỷ USD
06:38, 12/04/2018
Cảnh báo tư vấn cho vay tiêu dùng qua facebook, điện thoại để chiếm đoạt tiền
04:13, 27/07/2018
Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng cao gấp 3 lần lãi vay ngân hàng?
15:33, 12/07/2017
Lãi vay tiêu dùng cao ngất ngưởng: Người vay gánh chịu nhiều chi phí
10:42, 24/03/2017
Các số liệu chính thức cho thấy các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có khoảng 50 triệu người đăng ký và có khoảng 192 tỷ USD nợ xấu với lãi suất trung bình 10,2%/tháng. Tình hình nợ xấu cao kéo theo sự sụp đổ của hàng trăm Cty cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng như Jinyinmao. Chỉ trong tháng 7 này, có ít nhất 118 Cty cung cấp dịch vụ này đã đóng cửa, theo số liệu của tập đoàn Yingcan Group có trụ sở tại Thượng Hải. Trước đó vào tháng 8/2016, con số này đã tăng lên mức kỷ lục 230 Cty.
Trong thời gian gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã liên tục đưa ra cảnh báo người dân cho vay tiền qua hình thức này nên chuẩn bị tâm lý có thể bị mất tiền.
Bài học cho Việt Nam
Sự sụp đổ của các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc cũng đang réo lên những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người tham gia cho vay tiền qua các nền tảng tương tự tại Việt Nam.
Xuất hiện trên thị trường từ cách đây khoảng 3 năm, nhưng hình thức cho vay ngang hàng ở Việt Nam cũng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, với sự ra đời của nhiều nền tảng như TIMA, Vay Mượn, AVAY, MOSA hay MONILY. Hầu hết các nền tảng này thu hút hàng chục nghìn người tham gia cho vay, và hàng triệu người đăng ký vay.
Đơn cử như TIMA, Cty này công bố có hơn 17 nghìn người đăng ký sử dụng dịch vụ của mình để cho vay, và hơn 1,7 triệu người đang tìm kiếm các khoản vay trên nền tảng này. Cho tới nay, đã có khoảng 36 nghìn tỷ đồng được giải ngân qua TIMA. Các khoản vay được giải ngân rất nhanh chóng, không có tài sản thế chấp, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, trong đó thời gian thẩm định chỉ khoảng 30 phút.
Do đây là loại hình cho vay mới nên hàng lang pháp lý cũng chưa theo kịp. ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, cho biết mối quan hệ cho vay giữa các cá nhân với nhau vẫn áp dụng theo Luật Dân sự. Nhưng với các tranh chấp hợp đồng dân sự dưới góc độ ký kết giao dịch trên mạng internet thì vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Điều đáng nói ở đây là nếu người vay không trả nợ, hoặc mất khả năng trả nợ, thì người cho vay sẽ phải chịu rủi ro mất trắng khoản cho vay đó. Đơn giản là vì hai bên được kết nối với nhau qua mạng internet và tự tìm hiểu về nhau trong thời gian rất ngắn với những thông tin có thể không đầy đủ.
Trong lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc Tima Group cho biết giao dịch chỉ thực sự diễn ra khi đơn vị cho vay gặp gỡ tiếp xúc với người vay. “Đơn vị cho vay thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của người vay trước khi họ cho vay hay không. Chúng tôi không có trách nhiệm khi xảy ra nợ xấu,” ông Vĩnh nói.
Vậy điều gì sẽ đảm bảo nợ xấu không bùng nổ với hình thức cho vay này? Nếu như các ngân hàng và Cty tài chính có những bộ phận thu hồi nợ chuyên nghiệp, và có những khoản dự phòng rủi ro hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, thì người dân tham gia cho vay ngang hàng có lẽ chỉ còn cách ngậm ngùi chịu mất khi nợ xấu xảy ra.