Để sự phát triển của DNNVV trở thành “ngọn núi cao”
Tại Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV" do Báo DĐDN tổ chức chiều 7/8, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Có thể bạn quan tâm
60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn
Nhắc lại cuộc nghiên cứu cách đây 30 năm của nhóm nghiên cứu Việt kiều Mỹ về vấn đề phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra ba vấn đề lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV ở Việt Nam, thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba là vốn”.
Chủ tịch VCCI thông tin, các DNNVV đều nói rằng vốn là một yếu tố quan trọng và cũng chính là trở ngại chính cho DNNVV. “Đó là thời điểm cách đây 30 năm và đến giờ, bức tranh cũng không khác nhiều mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã có nhiều thay đổi”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo đó, Việt Nam mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Chủ tịch VCCI nhận định, đây là con số lớn và đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là những người trẻ, sinh viên, họ không có tài sản, mà chỉ có ý tưởng kinh doanh, những đối tượng này rất cần bệ đỡ nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng.
Theo Chủ tịch VCCI, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả ba nhà. “Thứ nhất là Nhà nước, mà đại diện không chỉ là Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ ngành liên quan, thứ hai là nhà băng và các thiết chế tài chính, thứ ba các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI
Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thât sự khơi nguồn cho đầu tư. “Thời đại 4.0 nhưng phương pháp quản lý nhà nước còn cơ học, chưa chấp nhận rủi ro. Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”, Chủ tịch VCCI nói.
Về phía các nhà băng và thiết chế tài chính, hiện còn thờ ơ, DNNN vẫn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng. Xét về mặt hiệu quả thì ngân hàng cho vay các khoản lớn với doanh nghiệp lớn là ưu tiên đảm bảo an toàn theo hình thức thế chấp tài sản.
“Tuy nhiên nền kinh tế số và nền kinh tế khởi nghiệp thì không có nhiều tài sản. Cho nên, tôi nghĩ là cho vay bằng hình thức thế chấp tài sản vẫn chiếm lớn, cho vay căn cứ vào sản xuất kinh doanh chưa trở thành cơ chế, chưa trở thành văn hoá tín dụng ở nước ta. Vậy làm sao thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?”, TS Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.
Về phía doanh nghiệp, đến thời điểm này, 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đến 98-99% la DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Như vậy tuyệt đại bộ phận là DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 doanh nghiệp có đăng ký. Còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức mà phi chính thức ít inh bạch và phi minh bạch. Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký này thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều doanh nghiệp.
Do đó, Chủ tịch VCCI nhận định, sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.
Chuyển đổi cho vay từ “may sẵn” sang "may đo"
Bởi trách nhiệm thuộc về ba nhà nên TS Vũ Tiến Lộc khẳng định giải pháp khơi thông cũng là trách nhiệm của các ba nhà. Một mặt, thể chế, nút thắt trong hoạt động của các định chế tài chính và doanh nghiệp cần cùng lúc được tháo gỡ và thúc đẩy.
“Để làm được, cần khắc phục những tồn tại vừa được nhắc tới. Trong đó, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn về khuôn khổ chính sáh và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0, thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính”, TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Về các nhà băng, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh.
Các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.
“Tôi rất vui và khuyến khích nhiều ngân hàng đưa ra cách thức cho vay mới, thúc đẩy tài chính vi mô không dựa vào tài sản thế chấp, áp dụng thông tin giảm thiểu thủ tục…. Có hình thức cho vay kiểu “may đo” chứ không phải “may sẵn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đồng thời đề nghị khuyến khích cho vay theo cuỗi cung ứng. Ví dụ cho vay vốn dựa trên cây trồng vật nuôi của người nông dân, bằng chính cánh đồng của họ. Tức là căn cứ vào phương án kinh doanh, chứ nếu căn cứ vào nhà xưởng thì sẽ rất khó cho đầu tư vào nông nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, đầu tư phải chấp nhận rủi ro. Điều này đòi hỏi nỗ lực của hệ thống ngân hàng. Có quan hệ tương tác giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
“Ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ là quan hệ cho vay, ngân hàng cần là tổ chức tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Các ngân hàng có lợi thế trong việc kết nối, dẫn dắt đối tác cho các doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh. Nếu có sự cộng sinh cho các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tạo nên tương tác, khai thông nguồn vốn, tạo động lực phát triển, giảm thiểu rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Để thay đổi căn bản quan hệ cộng sinh này là giải pháp quan trọng nâng cao sức mạnh doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, đòi hỏi sự minh bạch cởi mở của doanh nghiệp và nâng cao trình độ của các ngân hàng. Nếu làm được sẽ tạo bước chuyển trong kết nối.
Về phía các doanh nghiệp, DNNVV cần minh bạch trong thời buổi hội nhập, 4.0, minh bạch là quan trọng nhất. Phải nâng cao, củng cố nền tảng quản trị,
Việt Nam xếp trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong 20 nền kinh tế có khả năng thiết thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất. Cho nên hơn bao giờ hết, cần phải nâng cao năng lực quản trị gắn liền với đó là việc minh bạch hóa làm sao để là chuẩn mực quan trọng đầu tiên của dnnvv có thể phát triển nói chung để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các định chế tài chính nói riêng.
“Ngân hàng chung tay cùng doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của mình. Giải quyết vấn đề tăng cường thúc đẩy tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của ba nhà, như ba cây vậy “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tôi tin rằng các DNNNV Việt Nam sẽ trở thành “hòn núi cao” với sự chung tay của nhà nước cùng các tổ chức định chế tài chính”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.