Dư nợ công cuối năm 2018 khoảng 61,4% GDP
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (VBS) Việt Nam 2018 do VCCI tổ chức tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, kinh tế vĩ mô được điều hành ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2015-2017 tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,57%; 6 tháng đầu năm 2018 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% (cao nhất trong 10 năm qua). Chính phủ đã và đang quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao tiềm lực tài chính quốc gia. Chính sách tài khóa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bội chi ngân sách nhà nước luôn được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công. Danh mục nợ công đã được tái cơ cấu theo hướng bền vững thông qua tăng tỷ trọng vốn huy động từ thị trường trong nước, thực hiện tái cơ cấu cả về kỳ hạn của danh mục và chi phí vay nợ. Tính đến cuối năm 2017, nợ công giảm xuống còn 61,4% GDP so với mức 63,6% GDP năm 2016, trong đó nợ Chính phủ là 51,8% GDP.
Dự kiến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 61,4% GDP, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Theo đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.
"Thị trường vốn và thị trường dịch vụ tài chính ngày càng minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn", ông Hải cho biết.
Sau 18 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực. Quy mô thị trường vốn đến hết năm 2017 đạt 117% GDP (gấp 4 lần năm 2012), trong đó thị trường cổ phiếu đạt 77,5% GDP, thị trường trái phiếu đạt 39,8% GDP, từng bước có sự phát triển cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Tài chính: Sẽ “thúc” doanh nghiệp đã cổ phần hóa khẩn trương niêm yết
19:00, 01/08/2018
Bộ Tài chính: Nửa đầu năm 2018, mặt bằng giá xăng dầu đã tăng 7,5-17,9%
16:42, 18/07/2018
Bộ Tài chính cam kết giảm 50% Chi cục thuế vào năm 2020
19:00, 02/07/2018
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sẽ tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế
12:39, 26/05/2018
Một trong những điểm nhấn giúp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất là cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời đã tiến hành cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực hành chính thuế, hải quan để giảm thiểu thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện điện tử hóa các thủ tục kê khai hải quan, thanh toán điện tử, xử lý thông tin kê khai hàng hóa tại các cảng biển, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình trong khuôn khổ các hiệp định thương mại.
Bên cạnh những cải cách nêu trên, trong thời gian qua, chính sách kế toán, kiểm toán cũng được đổi mới theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa ra các thông tin tài chính một cách minh bạch, kịp thời cho các nhà đầu tư. Theo đó, hoạt động kế toán, kiểm toán vừa hỗ trợ các doanh nghiệp tạo lập thông tin kinh tế tài chính chính xác, vừa góp phần tăng cường tính công khai, minh bặc trong quản trị doanh nghiệp, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và nền kinh tế.
Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2018-2020 ở mức 6,7-7%/năm, ổn định lãi suất, lạm phát, nợ công và các cân đối vĩ mô khác, theo Thứ trường Huỳnh Quang Hải, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như sau:
Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, hoàn thiện Luật chứng khoán thế hệ hai để tạo khung khổ pháp lý phát triển thị trường vốn, TTCK trong dài hạn.
Thứ ba, sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm, tiếp tục cơ cấu lại thị trường bảo hiểm, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mới.
Thứ tư, triển khai các giải pháp theo chương trình hành động xây dựng, phát triển nền tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số, ứng dụng công nghệ mới mạnh mẽ vào lĩnh vực tài chính hướng tới Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình cải cách, sắp xếp DNNN, gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; đồng thời cập nhật các chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.