Rủi ro từ đồng nhân dân tệ suy yếu
Đồng nhân dân tệ (CNY) suy yếu đã và đang tạo ra rủi ro không nhỏ đối với các nền kinh tế khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tính từ đầu năm đến nay, CNY đã giảm giá khá mạnh, khoảng hơn 11% so với USD.
Sức ép của hàng hóa Trung Quốc
CNY mất giá đã tác động tiêu cực đến cán cân thương mại Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên do giá hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, trong khi xuất khẩu của Việt Nam lại gặp khó. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay khoảng 16 tỷ USD, con số này được dự báo có thể sẽ còn tăng lên trong những tháng cuối năm nay.
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Với sự hỗ trợ về tỷ giá, những mặt hàng chủ lực của Trung Quốc, như dệt may, thủy sản, thép… có thể lấn át hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và CNY mất giá sẽ khiến những người dân Trung Quốc hạn chế đi du lịch hoặc mua sắm ở nước ngoài, do chi phí đắt đỏ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, khi CNY mất giá, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thanh toán các khoản nợ vay bằng CNY cho Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam chính thức cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ tại khu vực biên giới
13:56, 29/08/2018
Không nên chạy theo đồng Nhân dân tệ để điều chỉnh VND
16:43, 11/08/2018
Vì sao đồng nhân dân tệ liên tục mất giá?
11:01, 30/07/2018
Cần lưu ý biến động của đồng Nhân dân tệ
05:59, 09/04/2017
Đồng nhân dân tệ xuống thấp nhất 8 năm qua
15:22, 17/11/2016
Tránh thành điểm trung chuyển của thế giới
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trước việc CNY giảm giá mạnh, Việt Nam cần phải kiểm soát chặt thương mại qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc, bên cạnh đó cần phải có những biện pháp kiểm soát được luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh việc linh hoạt trong điều hành tỷ giá, kiểm soát nhập siêu hàng hóa của Trung Quốc, đặc biệt là kiểm soát hàng nhập lậu, Việt Nam cần tránh trở thành điểm trung chuyển xuất khẩu cho các nước, đặc biệt là Trung Quốc; đồng thời giảm nguy cơ bị Mỹ gia tăng biện pháp phòng vệ với hàng hóa Việt Nam như câu chuyện của thép (Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Hàn Quốc và thuế CBPG đối với thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Đài Loan).