Người dân bức xúc vì tín dụng đen hoành hành

Châu Huệ 17/10/2018 16:00

Thời gian qua hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê… diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Báo cáo này được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày sáng 17/10 trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTVQH đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 365 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và 2.611 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.

Báo cáo đã phản ánh nhiều lo lắng bức xúc của cử tri về các vấn đề xã hội, tín dụng đen… Cụ thể, về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, báo cáo đánh giá thời gian qua, ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện điều tra nhanh, truy bắt kịp thời, xử lý nhiều đối tượng phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp như trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo bạo; một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong dư luận; nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình; lừa đảo qua mạng, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê… diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

Do đó, cử tri “đề nghị Bộ Công an tập trung trấn áp các loại tội phạm; các ngành chức năng ở trung ương và địa phương kiên quyết xử lý những người có trách nhiệm có hành vi bao che vi phạm”.

Trước đó, Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế là nội dung được đưa ra UB Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 28 diễn ra ngày 15/10 cũng đã đề cập tới vấn đề này.

Theo đó, về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng cơ quan thẩm tra báo cáo cho thấy sự ổn định. Việc thực hiện nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được triển khai tích cực, góp phần quan trọng trong việc xử lý, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu. Một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến cho vay ngân hàng, các loại tiền ảo có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần có biện pháp quản lý. Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, hoạt động tín dụng đen, huy động tiền trên mạng trái pháp luật, thu tiền "bảo kê" ở một số địa phương diễn ra ngày càng công khai, gây bức xúc trong dư luận.

Châu Huệ