Vốn trung và dài hạn sẽ khó khăn
Các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn vốn hoạt động khi việc tiếp cận vốn tín dụng trung, dài hạn sẽ trở nên khó khăn hơn từ đầu năm 2019.
Theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi bổ sung thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 40% kể từ ngày 1/1/2019, thay vì mức 45% như hiện nay.
Kiên định lộ trình
Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng cuối tháng 5/2018 chỉ khoảng 31%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ này sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay khi một lượng không nhỏ nguồn vốn huy động trung, dài hạn của các ngân hàng bị chuyển thành ngắn hạn do thời hạn còn lại chỉ dưới 1 năm.
Đó chính là lý do mà ngay từ đầu tháng 8 vừa qua, không ít ngân hàng đã phải chạy đua huy động vốn trung, dài hạn và sau đó cả vốn ngắn hạn khi việc huy động nguồn vốn kỳ hạn dài không hề dễ dàng. Cuộc đua huy động vốn ngày càng nóng đã góp phần đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng khá nhanh trong thời gian gần đây và bắt đầu có dấu hiệu lan sang mặt bằng lãi suất cho vay, đi ngược với chủ trương ổn định mặt bằng lãi suất của Chính phủ và NHNN.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó vay vốn ngân hàng
13:00, 18/07/2018
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
11:19, 20/10/2017
Doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng
16:00, 11/10/2017
Cũng xuất phát từ lo ngại về việc siết chặt sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ gây nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường, nên mới đây Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 45% trong năm 2019, thay vì 40% như lộ trình đã đề ra.
Trước đó, cũng bởi những khó khăn của thị trường nên năm 2017 NHNN đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN nới thời hạn áp dụng tỷ lệ 40% sang đầu năm 2019, thay vì từ năm 2018. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, NHNN chưa có tín hiệu thay đổi lộ trình đã đề ra.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng là điều tối quan trọng. Giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là nhằm giảm rủi ro thanh khoản, đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững như mục tiêu cơ quan quản lý hướng đến. Vì vậy, không nên lùi thời gian thực hiện quy định trên.
Đa dạng vốn hoạt động
Sự kiên định của cơ quan quản lý trong việc áp dụng quy định trên cũng đồng nghĩa với việc, cánh cửa tín dụng trung và dài hạn dù không đóng hẳn, song việc tiếp cận nguồn vốn này tại các ngân hàng trở nên khó khăn hơn rất nhiều như đã phân tích ở trên. Với dư địa vốn ngắn hạn cho vay trung còn lại rất ít, các ngân hàng phải cân nhắc, chọn lọc rất kỹ các nhu cầu vốn trung, dài hạn để giải ngân.
Đó là với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, còn riêng các doanh nghiệp BĐS, cánh cửa tín dụng dường như còn khép chặt hơn khi Chính phủ, NHNN đang có chủ trương siết chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực này.
Theo giới chuyên gia, định hướng giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% đã có từ lâu (Thông tư 06/2016/TT-NHNN và mới đây là Thông tư 16), các doanh nghiệp đều biết tinh thần đó và cũng đã có sự chuẩn bị. Bên cạnh đó, tín dụng ngân hàng không phải là kênh cung ứng vốn duy nhất cho nền kinh tế. Tại các nước phát triển, ngân hàng này chỉ cung ứng các nguồn vốn ngắn hạn, còn với nguồn vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp thường phải tìm kiếm qua phát hành trái phiếu, huy động trên thị trường chứng khoán hoặc huy động từ các quỹ đầu tư…
Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng bổ sung, thuê tài chính cũng là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản tiếp cận vốn trung và dài hạn, nhất là khi các TCTD phi ngân hàng được sử dụng tới 90% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Không “lay chuyển” được NHNN, trong công văn mới đây, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp BĐS nên tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS. Chuyển đổi thành Cty cổ phần, định hướng trở thành Cty đại chúng cũng là giải pháp để huy động vốn thông qua thị trường vốn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.