Fintech - cầu nối hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Litva
Cộng hòa Litva nổi bật với những chính sách hỗ trợ kinh doanh mang tính đột phá, đặc biệt cho các startups trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).
Tiềm năng Fintech của Việt Nam
Hiện nay Fintech miêu tả một xu hướng mới nổi trong ngành tài chính – ngân hàng. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech.
Theo bà Trần Thị Lan Anh - Ủy viên ban Thường Trực, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay Fintech cũng đang nhận được sự quan tâm tích cực trong ngành tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử tại Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để Fintech phát triển.
Cụ thể theo thống kê, tại Việt Nam hiện có 53% dân số sử dụng internet - tương ứng với khoảng hơn 50 triệu người. Đặc biệt, với hơn 124 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 41 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên đây chính là nền tảng để Fintech phát triển. Đến nay, Việt Nam có khoảng 50 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số.
Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức:
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt của công nghệ.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật.
Thứ ba, các doanh nghiệp Fintech thường gặp khó khăn về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cũng như đường hướng phát triển lâu dài, điều này khiến cho doanh nghiệp khó có thể phát triển lớn mạnh.
Thứ tư, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”.
Cơ hội hợp tác với Litva
Theo bà Ina Marčiulionytė - Đại sứ Cộng Hòa Litva, Litva hiện là quốc gia có một vị trí chiến lược, nằm ở Trung Đông Âu, một phần Bắc Âu, gần Tây Âu và Nga, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Âu. Litva, quốc gia nhỏ bé với dân số chỉ 2,7 triệu người, nổi bật với những chính sách hỗ trợ kinh doanh mang tính đột phá, đặc biệt cho các startups.
Điểm sáng của quốc gia Baltic này chính là Litva xếp trên 2 quốc gia Baltic khác (Estonia và Latvia) về Chỉ số sáng tạo của Bloomberg 2017, và là một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.
Đáng chú ý Fintech là một trong những điểm sáng của Litva, với tham vọng trở thành một trung tâm Fintech ở khu vực Bắc Âu – Baltic. “Litva là một nơi hoàn hảo để bắt đầu và phát triển một doanh nghiệp Fintech toàn cầu “ – ông Marius Jurgilas, Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước Litva cho biết, đây là thông điệp mà Litva muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Về tình hình giao thương giữa Việt Nam và Litva, ông Marius Jurgilas cho biết, hiện tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai chỉ đứng sau Singapore. "Chúng tôi luôn luôn chào đón các đối tác cung cấp dịch vụ tài chính và chào đón những ai muốn mở rộng thị trường ở châu Âu đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Việt Nam”, ông Marius Jurgilas chia sẻ thêm.
Đặc biệt, đại diện Ngân hàng Nhà nước Litva cũng chia sẻ rằng, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực thì đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt khi hàng rào thuế quan được bãi bỏ và tăng cường mối quan hệ song phương với các quốc gia EU. Vị này cũng chỉ ra rằng: “The future is about industry 4.0 and digital economy” – “Tương lai sẽ là ngành công nghiệp 4.0 và nền kinh tế kỹ thuật số”.
Và để doanh nghiệp Fintech Việt Nam có thể tiếp cận thị trường châu Âu, thì cách dễ dàng nhất chính là thông qua Litva. Bởi quốc gia này được ví như “cửa ngõ” để vào thị trường châu Âu.
Theo ông Marius Jurgilas, để doanh nghiệp Việt Nam muốn kêu gọi vốn và tham gia vào thị trường Fintech ở Litva thì trước hết, doanh nghiệp phải có sản phẩm của riêng mình. Ví dụ: doanh nghiệp có thể cung cấp giải pháp cho phép nhận dạng khách hàng tốt hơn như chứng minh thư số, nhận dạng số. “Doanh nghiệp phải giới thiệu sản phẩm của mình với các ngân hàng của Litva làm sao cho họ hiểu sản phẩm doanh nghiệp cung cấp là gì” – ông Marius Jurgilas cho biết.
“Đặc biệt, Litva có một chế độ bảo mật dữ liệu rất tốt, đặt trụ sở ở Paris. Chúng tôi luôn luôn chào đón các đối tác cung cấp dịch vụ tài chính và chào đón những ai muốn mở rộng thị trường ở châu Âu đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Việt Nam”- ông Marius Jurgilas chia sẻ thêm.