Nới room tín dụng: Lo tạo tiền lệ cho ngân hàng khác sau trường hợp Techcombank?
Nhiều ý kiến cho rằng, sau trường hợp Techcombank được NHNN cấp thêm room để cho vay sẽ nhiều ngân hàng nộp đơn với yêu cầu tương tự.
Mặc dù tại Công văn 5321 và Chỉ thị 04 ban hành trong tháng 7 và 8/2018, Ngân hàngNhà nước (NHNN) khẳng định không nới hạn mức (room) tín dụng cho các Ngân hàng thương mại (NHTM), trừ các trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lại vừa cho biết được cấp thêm hạn mức bổ sung. Cụ thể, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng ông vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Như vậy, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.
Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nhiều ngân hàng tăng trưởng vừa phải, phù hợp với chỉ tiêu đặt ra và hạn mức được giao, nhưng cũng có không ít ngân hàng đẩy tín dụng lên rất cao, với tăng trưởng trên 10%. Thậm chí, có trường hợp chạm trần, dẫn đến room tăng trưởng còn dư cho 6 tháng cuối năm khá hạn hẹp.
Cụ thể, một số ngân hàng đã chạm trần tín dụng phê duyệt đầu năm như TPB (15,0%) và HDB (14,5%); LienVietPostBank cũng đã tăng 13,3%, gần chạm trần 14%; tăng trưởng tín dụng tại OCB cũng đã đạt 12,2%.
Có thể bạn quan tâm
Cửa hẹp cho tín dụng cuối năm
12:45, 04/11/2018
Mong có quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
10:45, 31/10/2018
Thực chất tín dụng cho vay chứng khoán và bất động sản là bao nhiêu?
12:00, 30/10/2018
Đại biểu Quốc hội lo tín dụng đen hoành hành bủa vây dân nghèo
10:55, 26/10/2018
Theo CTCK VDSC, đây là 4 ngân hàng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm rất cao, phản ánh kỳ vọng có thể xin thêm hạn mức bổ sung vào quý 3 như các năm gần đây.
Trường hợp HDBank được VDSC đánh giá là một ngoại lệ bởi NHNN vẫn có thể giao bổ sung thêm chỉ tiêu cho một số “trường hợp đặc biệt”. Phương án sáp nhập với PGBank hiện đang đang chờ phê duyệt của NHNN. Theo tính toán của công ty này, tổng dư nợ của hai ngân hàng đến thời điểm 30/06 đạt 138.723 nghìn tỷ, tăng trưởng 11,2% so với cuối năm 2017. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng được giữ nguyên ở mức 15% cho ngân hàng sau sáp nhập, thì HDBank cũng sẽ có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Với Chỉ thị siết tăng trưởng tín dụng, LienVietPostBank đã chính thức điều chỉnh giảm 33% kế hoạch kinh doanh cả năm 2018, từ 1.800 tỷ còn 1.200 tỷ, với lí do không được NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Tuy vậy, theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), LPB cho biết ngân hàng dự kiến sẽ đề nghị NHNN tăng hạn mức tín dụng trong quí IV bằng việc hỗ trợ tái cơ cấu một quĩ tín dụng nhân dân cỡ nhỏ có tổng tài sản thấp hơn 100 tỷ đồng.
Trong bối cảnh chưa được nới room tín dụng, Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, OCB đang tập trung tài trợ vốn cho nhóm khách hàng cá nhân, DNNVV, trong đó chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng đến hết quý III/2018 đã tăng 11,3%, đạt 53.158 tỷ đồng, nên cũng có mong muốn được nới thêm room tín dụng, tạo dư địa cho vay trong 2 tháng còn lại của năm.
Tương tự, lãnh đạo của không ít nhà băng đang nỗ lực thu hồi nợ xấu để có thêm dư địa cho vay, khi room tín dụng đã cạn và chưa được NHNN nới thêm.
Chính vì vậy, trong quý III nhiều ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng” hoặc là tính toán chọn lọc khách hàng vay để cân với trần tín dụng. Tuy nhiên, sau trường hợp Techcombank được cấp thêm room để cho vay, nhiều ý kiến cho rằng rất dễ tạo ra tiền lệ cho nhiều ngân hàng nộp đơn với yêu cầu tương tự.
Tháng 8/2018, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)…