Siết cho vay ngoại tệ: Chuyển dần sang quan hệ mua-bán

Diệp Chi 24/11/2018 05:14

Việc thu hẹp cho vay ngoại tệ trước mắt sẽ gây khó khăn chủ yếu cho doanh nghiệp trên nghĩa là họ sẽ phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về cho vay ngoại tệ theo hướng tiếp tục thu hẹp nhu cầu vay USD, giảm đô la hoá nền kinh tế.

Thu hẹp các nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ

Theo đó, NHNN dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp, kiểm soát cho vay ngoại tệ của tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hoá, từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động – cho vay sang mua – bán ngoại tệ.

Theo đó, việc cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ sản xuất kinh doanh nhằm trả nợ vay sẽ được thực hiện đến hết 31/3/2019.

Với cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn ngoại tệ từ sản xuất kinh doanh nhằm trả nợ vay sẽ được thực hiện đến hết 30/9/2019.

Theo bản giải trình của NHNN, những thay đổi trong dự thảo thông tư này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Bởi số liệu tín dụng những tháng đầu năm cho thấy tín dụng ngắn hạn bằng ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do tỷ giá USD/VNĐ ổn định khiến doanh nghiệp thích vay ngoại tệ hơn vì vay USD ngắn hạn có lợi nhờ lãi suất USD thấp hơn lãi suất VNĐ.

Riêng với các doanh nghiệp có nhu cầu vay USD ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ; nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu sẽ không bị giới hạn thời gian cho vay như trước.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất huy động USD hiện đang được áp dụng ở mức 0%/năm, trong khi lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức 4,5-6%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay VNĐ và USD hiện vào khoảng 3-5%/năm.

Doanh nghiệp sẽ khó trong ngắn hạn?

Nhiều năm qua, NHNN đã theo đuổi mục tiêu chống đô la hoá nền kinh tế, bằng nhiều hình thức. Từ khi áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0% vào năm 2015, theo thống kê, lượng tiền gửi ngoại tệ giảm từ 11,06% năm 2014 xuống còn 8,21% cuối năm 2017. Ngoại tệ dư thừa trên thị trường được NHNN mua vào, bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Cơ quan điều hành cũng có chủ trương giảm dần hoạt động cho vay ngoại tệ của ngân hàng đối với khách hàng.

Theo đó, NHNN đã hai lần ngừng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở lại để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là thực tế vẫn có những doanh nghiệp không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm cần được ưu tiên, song vẫn có nguồn thu từ ngoại tệ nên vẫn đủ điều kiện vay, chuyển sang VND gửi lại ngân hàng với lãi suất cao hơn để kiếm lời, ăn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường ngoại hối cũng như việc quản lý, điều hành của NHNN.

Có thể bạn quan tâm

  • Có nên dừng cho vay ngoại tệ?

    06:12, 19/11/2017

  • Vì sao nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp tăng nhanh?

    10:04, 17/10/2017

  • Gia hạn cho vay ngoại tệ tác động thế nào tới tỷ giá cuối năm?

    09:43, 21/11/2016

  • “Cửa sáng” cho doanh nghiệp vay ngoại tệ

    10:26, 20/11/2016

  • NHNN dự kiến sẽ tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn

    15:45, 14/11/2016

Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô. Do đó, giới chuyên gia đều cùng chung quan điểm rằng chính sách thắt chặt tín dụng ngoại tệ trong vài năm gần đây đã giúp giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD tới nền kinh tế trong nước.

Thực tế ghi nhận trong mấy năm qua NHNN đã theo đuổi chủ trương giảm đô la hóa nền kinh tế, theo đó giảm thiểu việc cho vay mượn bằng ngoại tệ giữa khách hàng – ngân hàng – doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia nhận định rằng đây là một chính sách hoàn toàn đúng và cần được ủng hộ, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá đang chịu sức ép liên tục tăng lên làm NHNN phải chật vật chống đỡ.

Nếu các ngân hàng Việt Nam tiếp tục duy trì huy động vốn bằng USD (dù lãi suất có bằng 0%) thì nhu cầu vay ra bằng USD tiếp tục duy trì, thậm chí tăng, do lãi suất rẻ hơn vay tiền đồng. Vay USD đã và đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn khi có nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, do lãi suất thấp hơn vay bằng tiền đồng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vốn, cũng như hạn chế rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc thu hẹp cho vay ngoại tệ này trước mắt sẽ gây khó khăn chủ yếu cho doanh nghiệp trên nghĩa là họ sẽ phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng cho rằng, khi nhu cầu vay mượn bằng ngoại tệ càng phổ biến và dư nợ ngày càng lớn thì NHNN càng bị ràng buộc, càng phải hành động để bảo vệ tỷ giá nếu không muốn hàng loạt con nợ bằng ngoại tệ bị vỡ nợ.

Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng, “chấm dứt dần cho vay gửi ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua – bán là chính sách đúng đắn, phù hợp của nhà điều hành cần được khẩn trương thực hiện”.

Diệp Chi