Liên tiếp giảm mạnh giá bán, nợ xấu vẫn “ế ẩm”
Gặp khó khăn trong quá trình xử lí các khoản nợ xấu, VAMC phải tổ chức đấu giá nhiều lần và mỗi lần đều phải điều chỉnh giảm mạnh giá bán.
Theo thông báo từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhiều khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm của các khoản nợ được đem ra đấu giá trong tháng 11 do không thành công ở những lần đấu giá trước. Mức giá khởi điểm sau mỗi lần đấu giá lại sụt giảm khá nhiều nhưng chưa có dấu hiệu tích cực về người mua.
Gần đây nhất, VAMC vừa tiếp tục có thông báo đấu giá về khoản nợ xấu của công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Sở giao dịch. Trong đó bao gồm các khoản nợ đã bán sang VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ hiện hạch toán tại Agribank. Thời gian dự kiến đấu giá vào ngày 3/12/2018 tại Trụ sở VAMC theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, phương thức trả giá lên.
Điều đáng nói là, giá khởi điểm đưa ra trong lần đấu giá này là hơn 137 tỷ đồng, giảm 7 tỷ so với lần thông báo trước đó. Còn so với gần 3 tháng trước, mức giá khởi điểm đã giảm khoảng 107 tỷ (tương đương với giảm 44%).
Trước đó, vào tháng 11, VAMC cũng tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thành phố Vàng của Agribank đã bán nợ sang VAMC. Tài sản là quyền sử dụng 7.851,2m2 đất thuộc phường Phú Hữu, Quận 9, TP HCM. Giá khởi điểm của tài sản là 57,6 tỷ đồng.
Tài sản này cũng đã được tổ chức hai lần đấu giá vào đầu tháng 8 với giá khởi điểm là 84,8 tỷ đồng và vào đầu tháng 10 với giá khởi điểm là gần 63,9 tỷ đồng. Như vậy so với lần đấu giá tháng 8, mức giá hiện tại đã giảm 32% giá trị.
Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu được là "chìa khóa" tháo được vướng mắc giúp các ngân hàng xử lý khối nợ xấu tồn đọng hàng thập niên trong hệ thống. Nhưng thực tế việc bán đấu giá các khoản nợ xấu hầu hết ế ẩm, dù đó là dự án nằm ở vị trí đắc địa.
Đơn cử như tài sản đảm bảo tại Agribank, thời gian gần đây ngân hàng đã rao bán hàng loạt các khoản nợ, bao gồm những khoản nợ với giá vài tỷ đồng cho đến những khoản nợ lớn hàng trăm tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nợ xấu dâng cao, cổ phiếu ngân hàng liệu còn sức hút nhà đầu tư?
11:30, 13/11/2018
Nợ xấu “nóng” trở lại
12:00, 11/11/2018
Ngân hàng tích cực thu hồi nợ xấu
07:39, 09/11/2018
Thống đốc liên tục “giục” các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ xấu
09:50, 08/11/2018
Một trong các khoản nợ lớn nhất mà ngân hàng đang chào bán là của doanh nghiệp Tư nhân Thanh Tùng tại Agribank Bình Tân với giá khởi điểm là 405 tỷ đồng. Khoản nợ có giá trị ghi sổ đến ngày 15/10 là hơn 708,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 352,2 tỷ và nợ lãi là hơn 356,1 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM có diện tích gần 7.000m2 và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc.
Ngoài ra, còn nhiều khoản nợ trên trăm tỷ đồng đáng chú ý khác như Agribank Hưng Yên đang chào bán 7 tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam, bao gồm các hệ thống máy móc, công trình xây dựng trên đất, hàng tồn kho,..với giá khởi điểm hơn 133 tỷ đồng, thời gian từ 12/11-30/11/ 2018.
Không chỉ riêng Agribank mà còn tại nhiều ngân hàng, dù nhiều khoản nợ được đấu giá nhiều lần, giảm giá tới gần một nửa nhưng vẫn trong tình trạng ế ẩm.
Theo một lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong bối cảnh mức tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn, thị trường bất động sản cũng đang trầm lắng, các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo lại được định giá quá cao, do đó, công tác tìm kiếm nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Thực tế, các tổ chức định giá thường căn cứ vào giá thị trường và một số yếu tố khác để tham mưu cho ngân hàng đưa ra mức giá ban đầu. Tuy nhiên, mức giá mà cơ quan định giá đưa ra thường thấp hơn số tiền cần phải thu hồi nên các ngân hàng thường có xu hướng đưa ra mức giá cao hơn giá thị trường, sau đó sẽ giảm giá dần để tránh rủi ro.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng ngân hàng muốn bán nợ giá cao là điều đương nhiên, khi thị trường không chấp nhận thì điều chỉnh giá giảm xuống. Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, thậm chí chấp nhận giá thấp hơn so với giá sổ sách là hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng bán nợ xấu. Tuy nhiên, việc bán nợ theo giá thị trường không phải dễ, đặc biệt là những khoản nợ lớn cần phải có công ty định giá chuyên nghiệp.