Rào cản thị trường mua bán nợ

Trí Hải 27/11/2018 12:00

Nhiều chuyên gia cho rằng, nợ xấu sẽ chỉ được xử lý triệt để khi có thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh.Tuy nhiên đến nay, thị trường này chưa được hình thành do thiếu hành lang pháp lý.

Kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được gần 280.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) theo giá trị sổ sách. Tuy nhiên, lượng nợ xấu được xử lý mới chỉ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng.

 Từ khi thành lập đến nay, VAMC mua được gần 280.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB, nhưng mới chỉ xử lý được 100.000 tỷ đồng

Từ khi thành lập đến nay, VAMC mua được gần 280.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB, nhưng mới chỉ xử lý được 100.000 tỷ đồng

Nợ xấu… chạy vòng quanh

Hiện hầu hết các ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm. Bên cạnh con số lợi nhuận hết sức khả quan thì nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh, đặc biệt là nợ nhóm 5. Ngoài nguyên nhân tín dụng tăng nhanh, thì nợ nhóm 5 tăng còn do các ngân hàng mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý.

Chẳng hạn tại VietinBank, báo cáo tài chính bán niên của ngân hàng này ghi nhận đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Như vậy, Vietinbank đã chính thức gia nhập danh sách những nhà băng không còn nợ xấu tại VAMC bao gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB, VIB…

Theo một chuyên gia ngân hàng, không thể phủ nhận việc VAMC ra đời đã nhanh chóng tháo gỡ “kíp nổ” của quả bom nợ xấu trong hệ thống các TCTD, song với nguồn lực hạn chế, vai trò thực sự của VAMC có lẽ chỉ là “kho tạm giữ” nợ xấu khi mà lượng nợ xấu được xử lý qua định chế này còn khá khiêm tốn và vẫn cần tới sự phối hợp của các TCTD.

Vị chuyên gia trên cho rằng, cái được lớn nhất của các ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC là có thể nhanh chóng giảm được tỷ lệ nợ xấu khi khoản nợ xấu đó được đưa ra ngoại bảng, từ đó không ảnh hưởng tới khả năng cho vay của TCTD. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng giảm được chi phí tài chính khi trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB chỉ 20%/năm, thấp hơn nhiều mức trích lập bình quân cho các khoản nợ xấu. Đó chính là lý do trước đây, do nguồn lực hạn hẹp trong khi nợ xấu lại tăng cao tới mức nguy hiểm nên các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, nay khi năng lực tài chính và lợi nhuận được cải thiện, các ngân hàng lại tích cực mua lại nợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận, mặc dù nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các TCTD hiện chỉ khoảng 2%, giảm so với mức 2,56% vào đầu năm nay, nhưng nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC thì nợ xấu của toàn hệ thống vẫn lên tới 6%.

Vẫn chờ khung pháp lý

Theo TS. Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, khi VAMC mua nợ bằng TPĐB sẽ tạo ra mối quan hệ “tay 3” giữa con nợ, ngân hàng và VAMC. Do đó, khi VAMC muốn bán các tài sản đảm bảo (TSĐB) phải đạt được thỏa thuận 3 bên, trong khi mỗi bên đều tính lợi ích riêng của mình. Điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình bán TSĐB để xử lý nợ. “Nếu VAMC mua đứt khoản nợ, quá trình xử lý nợ sẽ nhanh hơn”, ông Lịch khuyến nghị.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để tiến trình xử lý nợ xấu nhanh hơn và triệt để hơn, cần nhanh chóng thành lập thị trường mua bán nợ. Theo TS. Đoàn Văn Thắng, yếu tố then chốt nhất để thị trường mua bán nợ phát triển là phải có sàn giao dịch nợ xấu. “Khi có sàn, người ta sẽ mang hàng hóa lên để bán, ắt có người mua”, ông Thắng cho biết và nhấn mạnh, sàn giao dịch nợ phải trực thuộc Bộ Tài chính, chứ VAMC hay DATC với tư cách tổ chức vừa mua, vừa bán nợ xấu sẽ không phù hợp để đảm nhiệm vai trò quản lý sàn này.

Để hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, chắc chắn phải có người mua, người bán và phải có sản phẩm cụ thể cho thị trường. Hiện hàng hóa để giao dịch là khá dồi dào, đó chính là các khoản nợ xấu và TSĐB. Người bán, kẻ mua cũng không thiếu, đó chính VAMC, các TCTD, các Cty quản lý tài sản, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Vậy cái thiếu ở đây là gì? Đó chính là khung pháp lý. Hiện khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ mới chỉ có một phần, chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, thiếu khung pháp lý là điểm yếu rất lớn trong phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. Hiện Bộ Tài chính là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tạo nền tảng, cơ sở hạ tầng, quy chế… của thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn đang “nợ” khung pháp lý này.

Nợ xấu không những gây “ách tắc” tín dụng mà còn đẩy chi phí hoạt động của các ngân hàng lên cao. Nếu xử lý triệt để nợ xấu, các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay. Bởi vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Trí Hải