Bớt “giấy phép con” cho vay bằng ngoại tệ!
Cơ chế cho vay ngoại tệ hiện hành sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Dự thảo sửa đổi quy định này có thể mang đến những hướng điều chỉnh mới sát hơn với thực tế.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần xem xét bỏ bớt các rào cản tại Dự thảo này.
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 của NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.
Những sửa đổi dự kiến
Theo quy định hiện hành, các TCTD được xem xét cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nếu khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ vay.
Việc xem xét bỏ bớt các rào cản, xây dựng các cơ chế rõ ràng, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện ... hẳn là điều rất cần được nghiên cứu kỹ hơn, đối với Dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN.
Tuy nhiên, ở Dự thảo Thông tư mới, việc cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này được chi tiết hóa thành 3 nội dung. Thứ nhất, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Thứ hai, cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Riêng đối với cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện không có giới hạn về thời gian.
Cần thêm những định hướng mở
Với các dự kiến sửa đổi nói trên, rõ ràng điểm tích cực nhất và có lẽ khiến doanh nghiệp và các TCTD sẽ yên tâm (trong ngắn hạn) là vẫn còn duy trì cơ chế vay và cho vay, thay vì chuyển hẳn sang quan hệ chỉ mua-bán ngoại tệ vào cuối năm.
Tuy nhiên, điều chỉnh có lộ trình này có lẽ là tín hiệu để các TCTD và doanh nghiệp có kịch bản dự phòng, có sự sẵn sàng để ứng xử khi lộ trình mới kết thúc. Và đích đến vẫn là quan hệ mua- bán ngoại tế, thay cho vay mượn, theo đúng mục tiêu kiểm soát, chặn đô la hóa nền kinh tế như cơ quan quản lý đặt ra?
Vấn đề ở đây là, với quy định mới, doanh nghiệp và các TCTD sẽ phải tìm cách chứng minh mình đủ điều kiện được quyền cho vay-vay ngoại tệ. Thông thường, một doanh nghiệp muốn đi vay ngoại tệ phải làm hồ sơ chứng minh mình thuộc đúng đối tượng được vay ngoại tệ. Chứng minh rồi, phải tìm được TCTD đồng ý duyệt cho vay ngoại tệ với lãi suất phù hợp. Việc này giống như doanh nghiệp phải qua 2 “cửa”, và quả bóng trách nhiệm được đẩy về phía doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ và TCTD; trong khi hầu như tất cả hoạt động đều có kiểm soát của cơ quan quản lý. Phía TCTD cũng chịu trách nhiệm báo cáo, giám sát với cơ quan quản lý, trên cơ sở đó cơ quan quản lý giám sát, kiểm soát dòng ngoại tệ chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu siết đô la hóa như dự kiến.
Trong bối cảnh hiện nay, cần nói thêm việc được cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp, vẫn chưa hẳn là “được”. Lãi suất vay ngoại tệ hiện hành từ mức 3,5- 6%/năm tuỳ thời hạn vay và quy mô doanh nghiệp, cộng thêm những chi phí liên quan đến phòng ngừa rủi ro tỷ giá khoảng 2-3%/năm. Tựu trung, doanh nghiệp vay ngoại tệ đang chịu lãi suất chưa thực sự hấp dẫn hơn nhiều so với vay trung và dài hạn VND. Chưa kể, với doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoai tệ, các rào cản, yêu cầu chứng minh mình làm đúng quy định luật pháp vẫn đang cần cải thiện hơn nhiều so với hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp lo ngại, đôi khi khiến họ do dự hay có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi tìm nguồn vay ngoại tệ! Doanh nghiệp có thể lựa chọn hướng “đơn giản” hơn, như vay bằng VND rồi tìm mua ngoại tệ một cách “không chính thống”, khiến việc kiểm soát ngoại tệ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Việc mở rộng điều kiện để các quan hệ giao dịch mua bán ngoại tệ giữa TCTD và khách hàng thuận lợi hơn (như điểm sửa đổi khoản 1 Điều 5 Thông tư 24 cho phép khách hàng vay có thể thoả thuận mua ngoại tệ tại chính TCTD cho vay hoặc TCTD khác) là những thay đổi tích cực để xây dựng mối quan hệ giao dịch ngoại tệ theo cơ chế thị trường. Bỏ bớt các rào cản, xây dựng các cơ chế rõ ràng, minh bạch, đơn giản... hẳn là điều rất cần được nghiên cứu kỹ hơn, đối với Dự thảo sửa đổi Thông tư 24.