Basel II có phải là "chìa khoá" giúp tài sản ngân hàng sinh lời?

Phương Hà 05/12/2018 11:01

Cho đến thời điểm này đã có 2 ngân hàng được NHNN cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn Basell II. Vậy đây có phải là "chìa khoá" giúp tài sản ngân hàng sinh lời?

24637y

Vietcombank và VIB vừa được NHNN cấp giấy chứng nhận chuẩn Basel II 

Trong thời gian qua, 10 ngân hàng thương mại cổ phần đã tiên phong thí điểm trong việc áp dụng chuẩn Basel II, gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank. Tuy nhiên cho đến nay mới có 2 ngân hàng là Vietcombank và VIB được NHNN cấp giấy chứng nhận chuẩn Basel II trong đầu tháng 12 vừa qua.

Có thể nói, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự thành công đầu tiên của hệ thống ngân hàng về thí điểm áp dụng chuẩn mực quốc tế vào quản trị rủi ro hoạt động – vốn đã được đưa ra từ năm 2014 và có lộ trình thực hiện đến 2020.

Theo ông Hàn Ngọc Vũ- Tổng Giám đốc VIB, việc được cấp Basel II sẽ giúp các ngân hàng phân bổ vốn chủ sở hữu hợp lý hơn trong việc xây dựng, phát triển, phân bổ tài sản có rủi ro và tài sản có sinh lời.

Ngoài ra, các quy định về công bố thông tin trong Thông tư 41/2016/TT-NHNN cũng giúp cho các ngân hàng có kỷ luật hơn về công bố thông tin thị trường, qua đó tăng niềm tin cho nhà đầu tư, người gửi tiền, cũng sẽ tăng uy tín cho ngân hàng trên thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này cũng giúp nhà đầu tư, người gửi tiền phân biệt các ngân hàng có chất lượng tốt để bỏ đồng tiền đầu tư một cách thông minh hơn.

Ở khía cạnh vĩ mô, việc áp dụng Thông tư 41 còn có lợi cho cơ quan quản lý, đảm bảo an toàn hơn đối với hệ thống ngân hàng, giảm bớt gánh nặng về trách nhiệm với người gửi tiền. Với quy định mới sẽ yêu cầu mỗi Hội đồng quản trị, ban điều hành của từng tổ chức tín dụng phải có kỷ luật, đo lường, định lượng rõ ràng hơn trong việc quản lý tổ chức ngân hàng.

Với việc có 2 ngân hàng đầu tiên được Thống đốc NHNN cấp quyết định ghi nhận áp dụng sớm Thông tư 41, các tổ chức tín dụng mong muốn NHNN sẽ sớm đưa chủ trương thành hiện thực để khuyến khích các ngân hàng bỏ thêm nguồn lực đầu tư cho việc triển khai áp dụng, hoặc nếu đã triển khai áp dụng như VIB và Vietcombank thì tiếp tục đầu tư cho các chuẩn mực cao hơn của Basel II mà NHNN sẽ sớm ban hành quy định.

Theo đó, ông Vũ đề xuất, các ngân hàng áp dụng sớm Thông tư 41 ngay trong năm 2019 và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu; đồng thời có cơ chế khuyến khích về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng: Được giao chỉ tiêu “động”, tức là ngân hàng tự quản lý tốc độ tăng trưởng tín dụng theo khả năng đáp ứng về vốn, với điều kiện phải tuân thủ cùng lúc chuẩn mực vốn quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 41, đồng thời không vi phạm các quy định an toàn khác của NHNN...

Qua đó, cần có cơ chế khuyến khích về chỉ tiêu mở rộng mạng lưới đối với các tổ chức tín dụng được cấp Basel II và được phép mở tối đa 15 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành Hà Nội hoặc TP. HCM, thay vì chỉ 10 chi nhánh như hiện tại, với điều kiện vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về vốn quy định tại Thông tư 21/2017/TT-NHNN.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, việc áp dụng Basel II sẽ có tác động rất tích cực đối với hệ thống ngân hàng. Hiệp ước này sử dụng khái niệm "Ba trụ cột" bao gồm: vốn tối thiểu; giám sát và kỷ luật thị trường; công bố thông tin.

Trụ cột thứ I liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc. Theo đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường. Trong đó trụ cột thứ nhất liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc. Theo đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% tổng tài sản có rủi ro như Basel I

Trụ cột thứ II liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng, Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những "công cụ" tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại. Trụ cột thứ III là các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. 

Theo đánh giá của các nhà phân tích, việc áp dụng Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời, nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Bởi vậy, tài sản ngân hàng sẽ được sinh lời tốt và được đảm bảo an toàn hơn.

Phương Hà