DHG chuyển hướng cùng Taisho
Việc Taisho (Nhật Bản) trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dược Hậu Giang (HoSE:DHG) được kỳ vọng sẽ giúp DHG thay thế mô hình phân phối dược OTC truyền thống, củng cố vị thế trên thị trường dược.
Dù chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018, nhưng cổ phiếu DHG vẫn tăng điểm tích cực, nhất là ngay trong đợt gom mua cổ phiếu của Taisho.
Cổ đông ngoại tăng ảnh hưởng
DHG là một trong những doanh nghiệp niêm yết nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lên 100% khá sớm. Ngay từ ĐHCĐ thường niên 2016 (lần 1), DHG đã thống nhất nới room ngoại. Điều đó cho thấy sự cởi mở và tầm nhìn hướng ngoại của DHG, ít nhất trong giai đoạn tới 2020.
Tuy nhiên, mãi đến giữa năm 2018, kế hoạch nới room này mới được trình lên UBCK Nhà nước chấp thuận. Trong khi đó, DHG vẫn nằm trong tầm ngắm của 2 cổ đông ngoại lớn trong giới hạn room dưới 49%. Trong đó, Taisho là một trong những đối tác chiến lược đã tỏ rõ hướng đồng hành dài hạn cùng DHG.
Có thể bạn quan tâm
Taisho muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG lên 32%
04:44, 06/07/2018
Nhà đầu tư Nhật Bản muốn nâng sở hữu tại DHG
04:23, 04/06/2018
DHG: Giá trị cơ bản chưa theo kịp đà tăng của cổ phiếu
12:15, 02/08/2017
DHG Pharma: “Vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn”!
17:09, 09/11/2016
Tập đoàn Nhật bất ngờ chi triệu “đô” gom vốn DHG
14:48, 04/07/2016
Giữa năm 2018, Taisho nắm giữ khoảng 25% cổ phần của DHG. Tỷ lệ này đã được điều chỉnh sau đợt mua công khai và đợt gom mua mới nhất, để tăng sở hữu lên 35%. Như vậy, tính đến 2/2018, Taisho vẫn là cổ đông ngoại lớn nhất tại DHG. Và có lẽ với những nỗ lực chiến lược của mình, Taisho vẫn mong muốn có tầm ảnh hưởng tại DHG. Trên thực tế, họ đã bỏ ra chi phí khá lớn cho khoản đầu tư vào DHG mà gần nhất, chỉ riêng nâng tỷ lệ sở hữu thêm từ 34,29% lên 34,99%, với giá mua trung bình 90.000đ/cổ phiếu DHG, Taisho đã phải chi ra chừng gần 90 tỷ đồng cho giao dịch này.
Đáng chú ý là sau giao dịch của Taisho, cổ phiếu DHG hiện tại vẫn tăng mạnh và giao dịch quanh ngưỡng 105.000đ/cp. Trong một báo cáo hồi tháng 1/2019, Cty chứng khoán KIS giữ quan điểm trung lập đối với cổ phiếu này và không có khuyến nghị mua hay nắm giữ. Trong khi đó, một Cty chứng khoán khác lại cho rằng giá mục tiêu của DHG có thể đạt tới 120.000đ/cp trong đợt tăng giá này.
Hợp tác cùng phát triển
Trong một kỳ ĐHCĐ của DHG, ông Jun Kuroda, đại diện của Taisho cho biết, Taisho (khi đó đang nắm giữ 24,5% vốn tại DHG) không có ý định thâu tóm DHG, mà chỉ mong muốn hợp tác cùng phát triển.
“Taisho đã hỗ trợ DHG nâng cấp dây chuyển sủi bọt theo tiêu chuẩn PIC/S hoàn thành vào cuối tháng 3/2017 và đang có kế hoạch nâng cấp các dây chuyền còn lại”, vị đại diện Taisho nói và khẳng định, nếu có điều kiện sở hữu nhiều cổ phần tại DHG sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa.
732,2 tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 của DHG, hoàn thành được khoảng hơn 95% kế hoạch lợi nhuận 2018.
Được biết, Taisho cũng đã hỗ trợ DHG triển khai dự án tăng năng suất của chuỗi cung ứng, xây dựng tồn kho chiến lược, lộ trình nhận hàng phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, bên cạnh việc Taisho cử nhân sự tham gia Ban điều hành của DHG, nhận nhân sự do DHG cử để đào tạo R&D tại Nhật Bản, DHG và Taisho còn hợp tác sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển giao công nghệ sản phẩm của Taisho hoặc sản phẩm của đối tác để sản xuất tại nhà máy của DHG, hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm DHG đến các thị trường ASEAN, thị trường sẵn có của DHG và thị trường sẵn có của Taisho. Ngược lại, DHG cũng nhập khẩu sản phẩm của đối tác để kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Việc chuyển hướng mở rộng mảng mỹ phẩm của DHG là 1 kết quả của mối hợp tác này. Tuy nhiên, việc góp vốn ngày càng tăng của Taisho tại DHG có lẽ vẫn còn cần thời gian để chứng minh hiệu quả hợp tác chiến lược.
Chờ thay đổi trong dài hạn
Năm 2018, DHG ghi nhận kết quả kinh doanh không hoàn toàn hài lòng cổ đông với doanh thu thuần giảm nhẹ so với năm trước, đạt 3.888 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 732,2 tỷ đồng. So với mục tiêu đặt ra, Cty đã hoàn thành được lần lượt 96% và trên 95% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế. Cty cũng ghi nhận lãi sau thuế tăng nhẹ lên 653,5 tỷ đồng. EPS đạt 4.449 đồng.
Triển vọng kinh doanh của DHG trong năm 2019 cũng đang có những rủi ro theo dự báo khi thị trường dược phẩm thương mại OTC- chiếm 90% doanh thu DHG đang suy giảm; mảng mỹ phẩm (hợp tác với Taisho) còn rất mới và tác động của việc thay thế Chủ tịch HĐQT và TGĐ DHG- gắn với tên tuổi bà Phạm Thị Việt Nga, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn ảnh hưởng nhất định.
Tuy vẫn giữ ngôi vương nhà sản xuất dược nội địa, đang trong giai đoạn đổi thay với cả lãnh đạo, cơ cấu sở hữu và hoạt động kinh doanh, rõ ràng sức hấp dẫn của DHG cần phải chờ sự đổi thay dài hạn. Sự gắn bó với Taisho được kỳ vọng giúp DHG sớm khỏa lấp những lỗ hổng của giai đoạn mới, tiếp tục củng cố uy tín và là doanh nghiệp chất lượng cao, thay thế cho mô hình phân phối dược OTC trong quá khứ.
Thách thức với ngành dược Trong một môi trường đầu tư cổ phiếu mà các dòng tiền lớn trông chờ vào các thông tin có tính hỗ trợ từng giai đoạn đoạn, một chuyên gia cho rằng hiện các nhà đầu tư tiếp tục “đu bám DHG với giá trên 100.000đ/cp là ở 1 trong 3 trường hợp: Thứ nhất, tiếp tục nhắm giá trần lịch sử 115.000đ của DHG. Thứ hai, bám xu hướng đầu tư cổ phiếu ngành dược mà DHG đang được cho là dẫn đầu để tiếp tục đón sóng đầu tư của khối ngoại. Thứ ba, đẩy giá và chờ thời điểm xả hàng cổ phiếu dược. Vị này phân tích, ngành dược đang chịu không ít rủi ro. Cụ thể, kênh OTC giảm tốc; cạnh tranh của ngành tăng lên và những Cty lớn uy tín mới có cơ hội vượt lên; biên lợi nhuận gộp của nhiều Cty có nguồn tá dược phụ thuộc Trung Quốc bị thu hẹp. Cùng với đó, theo Cty Chứng khoán KIS, rủi ro vĩ mô đối với ngành còn bao gồm mức độ cạnh tranh giữa các Cty dược đa quốc gia và việc siết chặt thị trường trong ngắn hạn. Đáng chú ý, những tác động của minh bạch hóa đấu thầu thuốc qua hệ thống công lập, theo đánh giá độc lập, có thể khiến nhiều Cty khó khăn nhưng về dài hạn lại là cơ hội cho những Cty lớn. Vì vậy, sự sàng lọc các Cty là cần thiết, đặc biệt trong danh mục của các hàng hóa ngành dược trên thị trường cổ phiếu. Điều này cũng lý giải vì sao trong khi không được xem là cổ phiếu triển vọng của 2019, nhóm cổ phiếu ngành Dược, tiêu biểu là DHG, vẫn tăng giá. Đồng thời, sóng M&A với sự đổ bộ của các nhà đầu tư ngoại lẫn nội, vẫn tiếp tục diễn ra, cả ở tảng băng nổi lẫn chìm, với các thương vụ không phải lúc nào cũng được công bố. |