Định danh cho P2P
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khung khổ pháp lý quy định đối với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) sẽ được giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu.
Trên thực tế, định danh P2P thế nào cho đúng để từ đó chiếu Luật điều chỉnh (với các Luật đã có) hay xây dựng quy định pháp lý mới tạo hành lang khung khổ cụ thể, là điều không dễ.
Định danh P2P thế nào?
Hiện nay, nhiều nước Đông Nam Á có xu hướng xem P2P như hoạt động cho vay thực sự và cần được quản lý tương tự như hoạt động tín dụng của các TCTD. Ở Trung Quốc, P2P lại được cho là hệ thống trao đổi thông tin tài khoản vay.
Nhìn rộng ra các loại hình kinh doanh trên cùng một nền tảng là công nghệ, nhưng khác biệt về lĩnh vực tương tác, P2P có đặc trưng tương tự các “siêu ứng dụng” gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam như Grab, Uber, Go Việt hay Be…
Có thể bạn quan tâm
Chế tài nào quản lý dịch vụ P2P tại Việt Nam?
11:01, 15/01/2019
Tránh “vết xe đổ” P2P của Trung Quốc
11:30, 25/11/2018
Sắp có khuôn khổ quản lý cho vay ngang hàng
17:02, 07/03/2019
Ai quản cho vay ngang hàng?
04:40, 26/01/2019
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rủi ro cho vay ngang hàng
05:01, 25/12/2018
Làm sao tránh vết xe đổ cho vay ngang hàng của Trung Quốc?
08:12, 20/11/2018
Grab là đề tài gây tranh cãi lớn về việc họ là loại hình doanh nghiệp vận tải taxi hay doanh nghiệp công nghệ. Ngay cả khi Grab muốn hoạt động thí điểm doanh nghiệp vận tải taxi ứng dụng công nghệ và phải được sự cho phép của Bộ GTVT, ngoài ra là các Luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…, thì điều này vẫn gây tranh cãi ngấm ngầm.
Có quan điểm nói rằng Grab là doanh nghiệp công nghệ, không phải doanh nghiệp taxi trên nền công nghệ, hoàn toàn khác với Vinasun là doanh nghiệp taxi nay có triển khai thêm ứng dụng gọi xe. Tôi hoàn toàn đồng thuận quan điểm này.
Việc xác định mô thức hoạt động P2P nào đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam cũng như các cách thức “biến chuyển” chung để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp là rất quan trọng.
Quay lại với P2P, điểm chung của Grab và P2P như nêu là thông qua phương tiện công nghệ để thực thi vai trò trung gian môi giới. Với P2P là quan hệ giữa người có nhu cầu cho vay và người có nhu cầu huy động/vay. Đơn vị trung gian hưởng phí theo tỷ lệ thỏa thuận. Họ không thực hiện huy động và trực tiếp cho vay. Các yếu tố sử dụng công nghệ để hỗ trợ thẩm định nhằm tăng thêm giá trị của dịch vụ kết nối. Bên huy động- bên cho vay mới là đối tượng sau cùng thực thi và hoàn tất giao dịch.
Với đặc trưng như vậy, định danh P2P như loại hình hoạt động cho vay, liệu đã hoàn toàn thỏa đáng?
Giải pháp quản lý P2P
Như khẳng định, P2P về bản chất vận hành trên nền tảng kết nối nhà đầu tư (NĐT) với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay, không thông qua trung gian tài chính truyền thống.
Có nhiều mô thức phát triển P2P tùy thuộc mỗi thị trường, và các mô thức ngày càng biến chuyển, hay ở tiêu cực thì ta gọi là biến tướng. Có thị trường thì P2P hoạt động đầu tư trái phiếu; theo đó, các khoản đầu tư được chia nhỏ dưới dạng chứng chỉ đầu tư và phát hành cho nhiều NĐT nhỏ lẻ nắm giữ. Lại có thị trường tổ chức trung gian kết nối trở thành đơn vị cho vay, hoặc nhận ủy thác đầu tư để cho vay.
Do đó, việc xác định mô thức hoạt động nào đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam cũng như các cách thức “biến chuyển” chung để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp là rất quan trọng.
Tuy nhiên, để có 1 hành lang pháp lý riêng cho P2P với mô thức ban đầu, rất có thể thừa thãi. Bởi một khi chưa định danh được P2P có phải tổ chức cho vay hay không, thì liệu P2P có thuần túy thuộc về NHNN quản lý? Hay ở góc độ khác, vẫn vận hành theo mô thức phổ biến và truyền thống, P2P rõ ràng đã chịu điều chỉnh của các luật, trong đó có Luật dân sự.
Trong trường hợp P2P không theo mô thức này, thì phải xem tổ chức trung gian kết nối có nhận ủy thác để đầu tư hay không, trực tiếp cho vay hay không, trên cơ sở đó xác định sai phạm và chế tài xét từ Luật chứng khoán…
Cuối cùng, nếu xem P2P là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, hoạt động trong lĩnh vực tài chính và mô thức chưa phù hợp chịu sự điều chỉnh của Luật các TCTD hay các quy định dưới Luật khác…, thì việc xây khung “quản” hoạt động P2P là cần.
Trong đó, có thể học Mỹ ở 1 số quy định như giới hạn vốn huy động; giới hạn đầu tư cá nhân, bộ các tiêu chuẩn cấp phép và hoạt động đối với Cty P2P- tương tự như điều kiện cấp phép hoạt động đối với Cty quản lý đầu tư quốc tế. Đồng thời, các Cty muốn huy động vốn từ cộng đồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Sở GDCK TP.HCM.
Ngoài ra còn các tiêu chuẩn, yêu cầu về công khai thông tin đối với các Cty P2P bao gồm quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các Cty này; và cuối cùng là các biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi NĐT, bao gồm quy định giới hạn đầu tư so với thu nhập của NĐT, quy định về giới hạn góp vốn của mỗi NĐT, quy định về quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm của Cty P2P đối với NĐT trong trường hợp xảy ra đổ vỡ, yêu cầu các Cty P2P lập quỹ dự phòng rủi ro, mở tài khoản ủy thác tại bên thứ ba (có thể là tại các định chế tài chính) để quản lý tiền vốn của NĐT...