Lúng túng phương thức bán vốn Nhà nước
Báo cáo gửi Quốc hội về các nội dung quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 còn chậm.
Trong đó nhiều Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt (7 đơn vị chưa thoái vốn, 61 đơn vị chưa hoàn thành thoái vốn, và 8 đơn vị có tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch).
Tiến độ thoái vốn “thoái lui”
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, một số đơn vị chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, đặc biệt các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước của TP.HCM đều đang tạm dừng công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
SCIC mới thực hiện bán vốn được 41/114 doanh nghiệp, không đạt kế hoạch đề ra.
4 đơn vị chưa xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ là Sawaco, Resco, Sagri và Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong giai đoạn này sẽ thoái vốn tại hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước. Trong số đó, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2019 cũng chưa có doanh nghiệp nào trong danh sách thực hiện thoái vốn, chưa kể 127 doanh nghiệp trễ hẹn của năm 2018 cũng phải khẩn trương thoái vốn.
Những trường hợp giá vốn theo thị trường dưới mệnh giá vẫn có thể thoái, càng giữ thì Nhà nước càng thiệt.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tiến độ thoái vốn Nhà nước như vậy là chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện, thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện, nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả. Các đơn vị này vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Vinalines bán vốn lớn tại công ty con thua lỗ ngàn tỷ đồng
02:26, 13/11/2018
VCB chờ bán vốn cho đối tác ngoại
11:01, 03/09/2018
Vì sao khó bán vốn nhà nước?
17:24, 11/08/2018
Lại "nóng" chuyện bán vốn doanh nghiệp Nhà nước cuối năm
11:00, 09/08/2018
Bảo toàn hay tối đa hóa giá trị vốn?
Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng chưa biết bán phần vốn Nhà nước theo phương thức nào để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thoái vốn Nhà nước theo phương thức bán trọn lô đang phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như thương vụ thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã thu về cho ngân sách gần 5 tỷ USD và tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam cũng thu về cho Nhà nước khoảng chênh lệch gần 9.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, doanh nghiệp có phần lúng túng trong quá trình thoái vốn tại các đơn vị có dự án thua lỗ. Đơn cử trường hợp Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã đấu giá 3-4 lần, nhưng không có nhà đầu tư mua. Tổng công ty Thép Việt Nam nếu muốn thoái vốn ở Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng không dễ làm, bởi tại doanh nghiệp này vẫn còn tranh chấp pháp lý giữa đơn vị thi công và chủ đầu tư, phải xác định rõ sai phạm.
Ông Tiến thừa nhận, đây là những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Có doanh nghiệp, nhà đầu tư không mặn mà, không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng.
Ngoài ra, việc xác định giá bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn còn do phần lớn các doạnh nghiệp sau cổ phần hóa không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2018 vẫn còn 667 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; trong đó có 295 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành và 372 doanh nghiệp thuộc các địa phương.
Tại cuộc họp đánh giá hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đề ra các nguyên tắc khi thoái vốn; trong đó có yêu cầu công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước theo thị trường, chứ không yêu cầu phải bảo toàn vốn Nhà nước. Do vậy, có những trường hợp giá vốn theo thị trường dưới mệnh giá vẫn có thể thoái, càng giữ thì Nhà nước càng thiệt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh cần vận hành lại, cơ cấu lại các dự án thua lỗ, yếu kém trước khi thoái vốn, cổ phần hóa. Những trường hợp có thể khắc phục, cổ phần hóa được mà bán non, thiệt hại lợi ích sẽ không làm. Những trường hợp đặc biệt thua lỗ kéo dài, "chết lâm sàng từ lâu" phải thoái ra để cắt lỗ.