Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu?
Không nên quá lạc quan về tình hình kinh tế giới và thay vào đó, Việt Nam nên chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với nguy cơ khủng hoảng toàn cầu có thể xảy ra sắp tới.
Đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã đảo chiều âm, dù đây chưa phải tín hiệu cảnh báo rõ ràng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các chuyên gia cho rằng không thể không thận trọng với rủi ro này.
Ngày 14/8 vừa qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 1,623%, thấp hơn trái phiếu 2 năm ở mức 1,634%. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng xuống thấp kỷ lục là 2,015%.
Tín hiệu suy thoái kinh tế
Không chỉ ở Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ trên khắp châu Âu cũng đồng loạt giảm, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức xuống đáy mới - 0,65%. Tại Vương quốc Anh, đường cong lợi suất trái phiếu giữa kỳ hạn 2 năm và 10 năm cũng đảo chiều âm, phản ánh lo ngại về bất ổn Brexit.
Theo Credit Suisse, kể từ những năm 1990, thời gian trung bình mà một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra sau khi đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều âm là 22 tháng. Lần gần nhất xảy ra hiện tượng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt kỳ hạn 10 năm vào tháng 12/2005- 2 năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007- 2008.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết, sở dĩ đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đảo chiều âm là do thế giới có nhiều bất ổn xảy ra, như chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, căng thẳng Nhật- Hàn, nguy cơ khủng hoảng tài chính Argentina…., các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các loại tài sản an toàn, như trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ, hay như số tài sản khác như vàng, đồng yên Nhật…
“Việc các nhà đầu tư ồ ạt mua trái phiếu chính phủ dài hạn khiến giá trái phiếu tăng mạnh, đẩy lợi suất trái phiếu giảm sâu. Tuy nhiên, đây chưa phải là chỉ báo chính xác về nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp xảy ra”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ đảo chiều âm cho thấy sự lo lắng của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Mỹ cũng như những rủi ro toàn cầu tiềm ẩn.
“Cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều có tăng trưởng kinh tế suy giảm, nợ tăng lên và cả hai nước đều cho thấy sự “lúng túng” trong điều hành kinh tế. Nếu trong liên tiếp 3 quý tới, cả hai nền kinh tế này tăng trưởng âm, thì bấy giờ mới có thể kết luận là nền kinh tế thế giới có đi vào chu kỳ suy thoái hay không”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không nên quá lạc quan về tình hình kinh tế giới và thay vào đó, Việt Nam nên chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với nguy cơ khủng hoảng toàn cầu có thể xảy ra sắp tới. “Mặc dù kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng cao…, song nền kinh tế Việt Nam không “đơn thương độc mã”, mà chịu tác động rất lớn từ kinh tế thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam có khá ít lựa chọn để ứng phó với khủng hoảng kinh tế. Nếu phá giá VND để thúc đẩy xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế vĩ mô. Nếu thúc đẩy đầu tư công để đối phó với suy thoái thì làm tăng nợ công. Còn việc nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn đang là vấn đề dài hạn, nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa làm được.
Nếu trong liên tiếp 3 quý tới, cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng âm, thì mới có thể kết luận kinh tế thế giới có đi vào chu kỳ suy thoái hay không?.
Về phía doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, khi nền kinh tế thế giới chao đảo, thị trường xuất khẩu sẽ bị thu hẹp lại, do đó, cần phải chuẩn bị cho kịch bản ngoại thương bị ảnh hưởng tiêu cực. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, trong bối cảnh khủng hoảng có thể xảy ra, thì nhiều nước sẽ tìm cách đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam với giá rẻ. Điều đó có lợi cho người tiêu dùng, nhưng sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp nội địa.
Về phía nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, mặc dù chưa có dấu hiệu rõ ràng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, bình tĩnh và hiểu rõ bối cảnh hiện nay khác so với trước đây. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nên căn cứ vào đó mà bán tháo tài sản của mình vội vàng.