Gỡ vướng sàn giao dịch nợ xấu
Sàn giao dịch nợ xấu là một trong các giải pháp cần thiết để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên sau nhiều năm hình thành thị trường mua bán nợ sơ cấp, sàn giao dịch nợ xấu vẫn chưa ra đời.
Theo kế hoạch giai đoạn 2019-2023 của Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Công ty này sẽ nghiên cứu, đề xuất Đề án xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện ngay trong năm 2020.
Khó khăn, vướng mắc
Thị trường mua bán nợ xấu tập trung là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong nhiều năm qua, trong đó có việc hình thành sàn giao dịch mua bán nợ xấu là một phần quan trọng. Tuy nhiên, trước khi có thị trường mua bán nợ tập trung thì việc hình thành thị trường mua bán nợ nói chung vẫn đang có rất nhiều hạn chế, mặc dù hoạt động này đã và đang diễn ra tại Việt Nam hơn 15 năm qua.
Ngoài VAMC và Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam – Bộ Tài chính (DATC), thị trường có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng thương mại và khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân tham gia mua bán nợ tại Việt Nam. Nhưng với số lượng ít, hạn chế như vậy, thì các công ty này vẫn chủ yếu… tự chơi với nhau. Thậm chí, các AMC và các tổ chức tự mua bán trong tổ chức mình, ít có cơ chế giao dịch mở rộng.
Có nhiều nguyên do dẫn đến những hạn chế nói trên, nhưng tựu trung ở 2 vướng mắc về khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ và các thành phần tham gia. Trong đó, nếu như khung pháp lý cơ bản đã khá đầy đủ để phát triển thị trường mua bán nợ sơ cấp (dù còn tồn tại một số khó khăn cho sự phát triển của thị trường), thì việc thiếu vắng các nhà đầu tư vẫn là mấu chốt lớn.
Cần thị trường đúng nghĩa
Theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, mặc dù Nghị định 69/2016/NQ-CP của Chính Phủ đã quy định cụ thể về dịch vụ kinh doanh mua bán nợ, nhưng đối tượng áp dụng trong Nghị định là khá hẹp, chỉ gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong khi một số chủ thể khác đang hoạt động trên thị trường mua bán nợ hiện nay vẫn tiếp tục được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác.
“Chẳng hạn VAMC hay DATC đều hoạt động theo quy định riêng của Chính phủ. Trong khi các tổ chức, nhà đầu tư tham gia mua bán trái phiếu – một công cụ nợ quan trọng, lại chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán… Chính điều này dẫn đến sự hạn chế, thiếu cạnh tranh, hoặc mua bán nợ loanh quanh với DATC hoặc bán nợ xấu lấy trái phiếu VAMC như những năm gần đây. Thị trường chưa thực sự có đủ các thành phần đúng nghĩa”, ông Trung cho biết.
Việc xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung có vai trò đầu mối là thực sự cần thiết. Nhưng đầu mối giao cho tổ chức nào, vận hành ra sao đều phải tính kỹ để có một sàn giao dịch “mở”.
Do đó, theo ông Huỳnh Minh Trung, việc xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung có vai trò đầu mối là cần thiết. Nhưng đầu mối giao cho tổ chức nào, vận hành ra sao đều phải tính kỹ để có một sàn giao dịch “mở” – công khai minh bạch thông tin về hàng hóa, tổ chức tham gia, người mua, người bán, thu hút được tổ chức môi giới, tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm…
Mặc khác, do thị trường mua bán nợ xấu sẽ có những tài sản trị giá lớn cần được đấu thầu thu hồi, nên cần năng lực tài chính của các tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài. Cơ chế để gỡ vướng quy định giữa sở hữu bất động sản nước ngoài của nhà đầu tư ngoại (có giới hạn) và cho phép các tổ chức bán nợ thực hiện hoạt động này với bên ngoài, là cần thiết.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất của sàn giao dịch nợ xấu vẫn là công cụ thanh toán. Nếu công cụ ở đây là trái phiếu và trái phiếu đặc biệt thì vẫn chưa thể đảm bảo gia tăng lực hút và phát huy giá trị của sàn giao dịch. Bởi trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng, cơ bản cũng chỉ giới hạn ở ghi sổ, ưu tiên để được chuyển đổi thành tiền mặt, khó thu hút người có nhu cầu tham gia mua bán thực.