Hai mặt của trái phiếu doanh nghiệp

Lê Mỹ 10/10/2019 11:00

Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 không chỉ cho thấy mức độ khát vốn của các doanh nghiệp, mà còn là những kỳ vọng và hàm chứa cả những rủi ro.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 9/2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 9,91% GDP. Dự kiến, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 sẽ tăng 29% so với cuối năm 2018, gấp 9,6 lần so với năm 2012.

p/Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2019.

Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2019.

Kỳ vọng lớn của doanh nghiệp

Để nắm bắt cơ hội kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh hay thực thi các mục tiêu ngắn, trung, dài hạn của doanh nghiệp hoặc một dự án thuộc doanh nghiệp, câu hỏi đầu tiên đặt ra đối với mọi doanh nghiệp vẫn là: Tiền đâu?.

Một doanh nghiệp ngành năng lượng vừa lên sàn là CTCP Điện Gia Lai (GEG)- hạt nhân của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) trong lĩnh vực năng lượng, trước khi niêm yết để tăng cơ hội huy động vốn sơ cấp, GEG đã phát hành trái phiếu riêng lẻ với thành công khá ngoạn mục. GEG đã thu về 135 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu này. Có thể trái phiếu GEG đã đạt nhiệm vụ “lót đường” cho sự đổ bộ của 204 triệu cổ phiếu GEG tại HoSE vào tháng 9 vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Siết tín dụng- phình trái phiếu doanh nghiệp

    04:07, 28/08/2019

  • Rủi ro hệ thống từ... "siết" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

    05:01, 27/08/2019

  • NHNN cảnh báo rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    00:03, 24/08/2019

  • Không nên siết trái phiếu doanh nghiệp

    11:30, 18/08/2019

  • “Nắn” dòng trái phiếu doanh nghiệp

    15:00, 15/08/2019

  • “Mẹo” đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

    11:44, 23/07/2019

Theo đánh giá của giới chuyên môn, kỳ vọng của GEG thể hiện khá rõ với một mức lãi suất “không thể hấp dẫn hơn” dành cho trái chủ quan tâm ngành năng lượng và cao hơn nhiều so với lợi tức trái phiếu nhiều doanh nghiệp sản xuất khác phát hành (có lẽ chỉ thấp hơn lãi suất trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản).

Cùng một cách thức giống GEG, CTCP Tập đoàn Sunshine cũng phát hành 100 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng một trái phiếu, tương đương tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, không được chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Đáng chú ý, trước đó Sunshine đã mua lại một phần trái phiếu từ nhóm trái chủ ngân hàng VPBank và AnBinh Bank, cho thấy trái phiếu đang là công cụ nợ linh hoạt đối với tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này.

Rủi ro không chỉ thuộc về nhà đầu tư

Đối với một sản phẩm gọi vốn thường có kỳ hạn dài, nhà đầu tư trước nay quan tâm nhiều đến giá trị doanh nghiệp, khả năng trả lãi suất và triển vọng dự án/ tiềm năng doanh nghiệp. Tuy nhiên, một chuyên gia đánh giá các yếu tố tài chính và dự phóng cơ bản của doanh nghiệp phát hành trái phiếu gần đây được một số trái chủ bỏ qua, khi lãi suất trái phiếu hấp dẫn hơn hẳn và thậm chí có đợt gấp đôi lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Với việc chọn lãi suất trái phiếu cao để mua vào, nhà đầu tư hiển nhiên chấp nhận những rủi ro cao khi nhà phát hành trái phiếu gặp vấn đề trong kinh doanh, không đảm bảo được thanh toán quyền lợi cho trái chủ đúng hạn hoặc thậm chí phá sản.

  Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường, tăng cường quản lý, giám sát... 

Ở góc độ doanh nghiệp, rủi ro từ trái phiếu có lãi suất cao không phải không có. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phải lần lượt bán những gì có giá để trả nợ là một điển hình cho rủi ro từ đòn bẩy tài chính trái phiếu lãi suất cao. Mặc dù có sự ra tay của ông chủ Thaco Trần Bá Dương với những nỗ lực tăng rót tiền giải cứu các khoản nợ cho Hoàng Anh Gia Lai, nhưng rõ ràng ông Dương cũng không thể thay thế được Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức thực hiện các nghĩa vụ trái phiếu trong quá khứ.

Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, cân nhắc các điều khoản về nghĩa vụ nợ với trái chủ trước khi lên kế hoạch phát hành trái phiếu là điều mà các doanh nghiệp cần tính toán kỹ. Các doanh nghiệp cần tránh thấy thị trường trái phiếu bùng nổ, rồi đẩy lãi suất trái phiếu lên cao để hút vốn. “Kỳ vọng lớn của doanh nghiệp sẽ không bị “đánh thuế”, nhưng thỏa thuận lãi suất trái phiếu là một khế ước mượn nợ được chính danh ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp. Do đó, đã đến lúc nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp cần tỉnh táo trước các khoản nợ và quyết định đầu tư vì kỳ vọng sinh lời tương lai, ngay từ bây giờ”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Lê Mỹ