755 DNNN cổ phần hóa chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán

Hằng Hà 20/10/2019 11:00

Việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua quá trình cổ phần hóa đã tạo ra nguồn hàng hóa đầu tiên, đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo lập cơ sở cho sự hình thành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán

Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết  trên sàn chứng khoán vẫn chưa được doanh nghiệp chú trọng

Theo Bộ Tài chính, đến nay, cổ phiếu của các DNNN cổ phần hóa vẫn là nguồn hàng hóa có chất lượng và chủ lực cho thị trường chứng khoán. Về cơ bản, đây là các doanh nghiệp lớn dẫn đầu thị trường về mức vốn hóa cũng như về tính minh bạch và quản trị công ty, các doanh nghiệp này hoạt động khá hiệu quả đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời tạo nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao tính minh bạch thị trường…

Cụ thể, quy mô của khối doanh nghiệp này liên tục tăng qua từng năm, chủ yếu từ nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng và khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua hình thức phát hành thêm cổ phần rất tốt.

Có thể bạn quan tâm

  • “Đã phát hiện những việc cố ý làm trái pháp luật trong cổ phần hoá, thoái vốn DNNN”

    “Đã phát hiện những việc cố ý làm trái pháp luật trong cổ phần hoá, thoái vốn DNNN”

    10:00, 16/10/2019

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xem xét trách nhiệm bộ, ngành chậm cổ phần hóa

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xem xét trách nhiệm bộ, ngành chậm cổ phần hóa

    10:24, 16/10/2019

  • Kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa

    Kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa

    00:00, 17/10/2019

Các DNNN sau cổ phần hóa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và một số ưu đãi từ chính sách cổ phần hóa, đồng thời cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp đều có nguồn giữ lại để tăng vốn điều lệ, hoặc đáp ứng đủ điều kiện cũng như có đủ uy tín để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua việc phát hành thêm.

Hầu hết các DNNN cổ phần hóa đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc gắn cổ phần hóa với niêm yết vẫn chưa được chú trọng. Tính đến ngày 30/9/2019, theo rà soát, tổng hợp của Bộ Tài chính, mới có 840 DNNN cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán, còn 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Bộ Xây dựng (53 doanh nghiệp), Bộ Công Thương (46 doanh nghiệp), Bộ Giao thông vận tải (35 doanh nghiệp), Bộ NNo&PTNT (27 doanh nghiệp), Thành phố Hà Nội (85 doanh nghiệp), TP. Hồ Chí Minh (97 doanh nghiệp), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (144 doanh nghiệp), tỉnh Vĩnh Phúc (33 doanh nghiệp)...

Lý do dẫn tới việc chậm trễ trong niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, theo Bộ Tài chính, qua kiểm tra, một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, đang trên bờ vực phá sản; Có những doanh nghiệp đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn; Một số doanh nghiệp gặp vướng mắc trong xác định giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định để kiểm toán xác nhận số vốn điều lệ thực góp, chưa có phương án xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần... 

Bên cạnh đó, có những DNNN cổ phần hóa, cổ đông chủ yếu là cán bộ công nhân viên, nhiều người đã nghỉ hưu, thay đổi địa chỉ liên hệ nên việc tập hợp danh sách cổ đông với đầy đủ thông tin theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian...

Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo thực thi có hiệu quả quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN cổ phần hóa, bên cạnh việc xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định, các cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hóa, xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định. Đối với trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Hằng Hà