Vì sao SEC trì hoãn phê duyệt Bitcoin ETF?
Những lo ngại về tính thanh khoản bị thổi phồng quá mức, cùng với hoạt động giao dịch hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ thao túng thị trường, khiến đề xuất các quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin bị từ chối.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã trì hoãn quyết định phê duyệt quỹ giao dịch trao đổi bitcoin VanEck Bitcoin ETF cho đến tháng 6. Thông thường, SEC sẽ mất 45 ngày kể từ khi đơn đăng ký được nộp, để đưa ra quyết định, liệu một chứng khoán như vậy có được phép giao dịch hay không. Thời hạn 45 ngày cho VanEck Bitcoin ETF kết thúc vào ngày 3/5, nhưng SEC đã gia hạn thời gian phê duyệt.
Tuy nhiên, công ty vẫn giữ vững quan điểm rằng các nhà đầu tư trên Main Street sẽ được hưởng lợi từ một cách dễ dàng hơn để đầu tư vào tiền điện tử.
VanEck lần đầu tiên bắt đầu phát triển Bitcoin ETF khoảng ba năm trước. Khi đó, SolidX, một công ty fintech riêng biệt, đã bắt đầu làm việc trên Bitcoin ETF của riêng mình cùng lúc. Mối quan hệ đối tác giữa VanEck và SolidX mới chỉ được công bố vào tháng 6/2018, nhưng nó đã có tác dụng truyền cảm hứng cho sự tin tưởng vào dự án.
"VanEck tiếp tục tin rằng các nhà đầu tư sẽ được phục vụ tốt khi có một sản phẩm Bitcoin được đăng ký công khai và chúng tôi cam kết làm việc với các cơ quan quản lý trong thời gian họ xem xét", Ed Lopez, Trưởng bộ phận Sản phẩm ETF của VanEck cho biết.
Theo Financial Times, thị trường tiền điện tử còn quá non nớt đối với một quỹ giao dịch trao đổi bitcoin (ETF). Mặc dù đã có nhiều đề xuất được đưa ra, nhưng tất cả đều bị từ chối. Điển hình là Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã trích dẫn hoạt động giao dịch hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ thao túng thị trường là những lý do để từ chối các đề xuất này. Matthew DeLesDernier, Trợ lý Bộ trưởng SEC cho biết, SEC thấy rằng cần một khoảng thời gian đủ dài để xem xét thay đổi các quy tắc được đề xuất và các ý kiến nhận được.
Giới phân tích nhận định, Bitcoin ETF hiện đang được coi là “báu vật” cho ngành công nghiệp tiền điện tử vì chúng cung cấp cách tốn ít chi phí để các nhà đầu tư tiếp cận bitcoin (BTC) mà không gặp rắc rối khi giao dịch với ví kỹ thuật số và người giám sát. Không loại trừ hoàn toàn khả năng ngành công nghiệp này quá lớn để có thể bỏ qua, vì vậy, SEC nên dành thời gian xác định bây giờ là thời điểm thích hợp, để giới thiệu các sản phẩm tài chính này cho những nhà đầu tư Mỹ.
“Tuy nhiên, ETF chỉ có tính thanh khoản vì các nhà tạo lập thị trường giao dịch để đảm bảo không có khoảng cách giữa giá thị trường và giá cơ bản của tài sản trong chỉ số mà họ theo dõi. Vì vậy, tài sản cũng cần phải có tính thanh khoản. Đó có thể là một vấn đề với bitcoin bởi nguồn cung được giới hạn ở mức 21 triệu đồng.
Khi thị trường lao dốc, các nhà đầu tư có thể thấy mình bị khóa chặt vào cổ phiếu. Tính thanh khoản hạn chế đối với tài sản cơ sở góp phần làm tăng nguy cơ thao túng của các nhà đầu tư lớn”, một vị chuyên gia đánh giá.
Có ý kiến cho rằng Gary Gensler, Chủ tịch mới của SEC sẽ cởi mở hơn với ý tưởng về quỹ ETF bitcoin vì ông đã giảng dạy các khóa học về tiền điện tử và blockchain tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Nhưng ông có những ưu tiên cấp bách hơn, đó là sự bùng nổ của các công ty mua lại có mục đích đặc biệt và liệu các ứng dụng giao dịch như Robinhood có khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận quá nhiều rủi ro hay không.
Khi được hỏi về cách SEC nên điều chỉnh bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác, vị Chủ tịch đã nói với các nhà lập pháp rằng, trách nhiệm có thể thuộc về Chính phủ tùy thuộc vào cách các tài sản như bitcoin được phân loại.
“Trước đây, SEC đã lo lắng về sự biến động giá cực mạnh và gian lận trong tiền điện tử, đồng thời 75% giao dịch bitcoin diễn ra ở nước ngoài, trên các sàn giao dịch nước ngoài không được kiểm soát có thể bị thao túng”, Gensler cho biết.
Bằng chứng thuyết phục?
Câu hỏi đặt ra là, những lo ngại về tính thanh khoản có thực sự tồn tại trong thị trường bitcoin? Trong khi đó là một tài sản thường xuyên được giao dịch bên trong các sàn giao dịch tập trung. Mỗi sàn giao dịch về cơ bản là thị trường riêng và những thị trường đó có thể có vấn đề về thanh khoản tùy thuộc vào thời gian trong ngày, hoặc số lượng nhà giao dịch hoạt động.
Nếu xét một cách tổng thể, bitcoin vẫn có tính thanh khoản đáng kể. Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk gần đây đã cho biết, công ty sản xuất ô tô của mình đã bán 10% kho BTC của mình để “chứng minh” rằng đây là một giải pháp thay thế thanh khoản cho tiền mặt. Điều này dường như để thuyết phục các thành viên hội đồng quản trị đang hoài nghi về các hoạt động của Tesla.
Trong khi đó, Frank Chaparro của The Block đã chỉ ra, hoạt động giao ngay của bitcoin trên hàng chục sàn giao dịch đáng tin cậy đã đạt hơn 1 nghìn tỷ USD riêng trong tháng vừa qua.
Khi xem xét các tổ chức mong muốn đưa ra Bitcoin ETF như Fidelity và VanEck, không chắc họ sẽ chọn những người giám sát với quyền truy cập hạn chế vào thị trường. Song, điều đó vẫn có thể xảy ra.
Trở lại sự kiện “Thứ Năm Đen” vào tháng 3/2020, thị trường tiền điện tử đã chứng kiến những đợt thanh lý lớn trên diện rộng và thị trường cũng trở nên tồi tệ hơn do sự suy giảm nguồn cung đối với các tài sản cụ thể.
Nhưng Canada lại là một ví dụ khi có ba quỹ ETF bitcoin và ngay lập tức trở thành một trong những sản phẩm tài chính tích cực nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Toronto. Nước này cũng chưa gặp vấn đề gì khi tích trữ BTC. Và thật khó để gọi bất kỳ thị trường nào là chưa trưởng thành mà lại có giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD như thị trường tiền điện tử.
Giám đốc đầu tư Matt Hougan của Bitwise Asset Management cho biết, thị trường phải đủ tốt, phải đủ thể chế, phải đủ trưởng thành để hỗ trợ ETF trước khi SEC bật đèn xanh. “Ngày nay chúng ta đang ở gần thời điểm đó hơn so với trước đây và tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang đạt được điều đó”, Matt Hougan cho biết.