“Bế tắc” vốn đường sắt
Tiền ngân sách bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 5,8% so với nhu cầu.
>>Đường sắt TP.HCM-Cần Thơ hiệu quả thế nào?
Để sớm vực dậy vị trí “đầu tàu” trong lĩnh vực giao thông, ngày 19/10/2021, Quyết định số 1769/QĐ-TTg đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.871 km.
Vắng bóng PPP
Trong đó, chuẩn bị thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt với chiều dài 2.362 km với nhu cầu vốn đến năm 2030 lên tới 240.000 tỷ đồng, lớn nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đầu tư trước hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tiền ngân sách bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 5,8% so với nhu cầu.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực, từ ngày 1/7/2018 đến nay, chưa có dự án đầu tư phát triển đường sắt quốc gia theo hình thức đối tác công tư (PPP). Việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hạn hẹp. Giai đoạn 2016-2021, nguồn vốn nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt chỉ đạt 6,8% toàn ngành. Trong đó, vốn cho đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia chỉ đạt khoảng 21.288 tỷ đồng, trung bình 2.129 tỷ đồng/năm.
“Vì vậy, cần tiếp tục thay đổi nhận thức, tư duy phát triển giao thông vận tải đường sắt, trong đó, quan trọng nhất là tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt; quản lý kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt”, Cục Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh ngân sách Trung ương, theo đề xuất của Cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cần thiết xem xét bổ sung thêm chủ thể là UBND cấp tỉnh được quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác hạ tầng đường sắt để huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia hỗ trợ đầu tư.
Cục Đường sắt cũng cho rằng cần tập trung lập, phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành tại các ga có lợi thế kinh doanh thương mại, để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng kết hợp nhà ga đường sắt mà Luật Đường sắt đã cho phép.
>>Đường sắt Việt Nam tiến gần đích tái cơ cấu
Bài toán đa nghiệm
Theo GS.TSKH Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam: Việc đầu tư đường sắt đòi hỏi vốn rất lớn vì phải đầu tư đồng bộ từ nền đường, kiến trúc tầng trên như ray, tà vẹt... đến nhà ga, thông tin tín hiệu và phương tiện đầu máy, toa xe. Ngoài ra còn rất nhiều các yếu tố kĩ thuật khác cần năng lực, kinh nghiệm chuyên ngành. Trong khi hoàn vốn khó khăn, mất nhiều thời gian nên sức hấp dẫn của dự án đường sắt khi kêu gọi vốn đầu tư rất kém.
Đối với các tuyến đường sắt nhánh, GS.TSKH Bùi Xuân Phong cho rằng, nếu đường sắt trong cảng hay trong khu công nghiệp, chế xuất thì nên để doanh nghiệp tự đầu tư, căn cứ vào nhu cầu vận tải, sản xuất kinh doanh. Còn đường sắt kết nối từ cảng, khu công nghiệp trên địa bàn địa phương với ga đường sắt quốc gia có thể giao cho địa phương đầu tư căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.
Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CT Group cho biết: Trong suốt 2 năm vừa qua, Tập đoàn cũng nghiên cứu đề án làm đường sắt miền Tây. Đối tác của Tập đoàn cũng đã có những chuẩn bị, Tập đoàn cũng có làm việc với các cổ đông có kinh nghiệm trong đường sắt thành công ở Malaysia và cũng là đơn vị làm tuyến đường sắt nối liền giữa Malaysia và Singapore. Tập đoàn cũng đã trình bày với Ngân hàng Thế giới (WB) và họ nói rằng: Trường hợp này chúng tôi cũng tìm hiểu rất nhiều nhưng nếu Việt Nam làm được việc phát triển đồng bộ giữa giao thông và khu công nghiệp, khu thương mại quanh trục giao thông đó thì mới thành công dự án này. Vì nếu làm giao thông thuần túy thì các bạn không thể làm được.
“Trong trường hợp đường sắt đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 200 km/giờ, giá thành tăng hơn vận tải hành khách khoảng 5 - 10%. Để phát huy tối đa giá trị của đường sắt, ngoài giao thông, Tập đoàn đề xuất xung quanh những tuyến nhà ga kết hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp cao, sản xuất công nghiệp… ”- ông Chung nói.
Có thể bạn quan tâm
Đường sắt TP.HCM-Cần Thơ hiệu quả thế nào?
15:03, 03/06/2022
Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP HCM với Cần Thơ, Cà Mau
20:33, 21/05/2022
Đường sắt Việt Nam tiến gần đích tái cơ cấu
00:41, 14/04/2022
VNR kiến nghị bố trí 1.700 tỷ đồng tách cầu đường bộ và đường sắt
00:00, 14/02/2022
Đưa đường sắt cao tốc Cần Thơ-TP HCM vào chính sách đặc thù của Cần Thơ
00:48, 08/01/2022