VCCI: Bỏ quy định doanh nghiệp xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Huyền Trang 15/01/2018 13:20

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời đề nghị góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Dự thảo Nghị định Quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Điều 31 Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dự án đầu tư đang thực hiện thuộc diện phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTMT) phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và được cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt cùng với thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTMT.

Quy định tại khoản 3 Điều 33 có thể hiểu là thủ tục này sẽ được lồng ghép vào thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTMT. Như vậy quy định này không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới nhưng làm thay đổi khá lớn điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính đã có.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.

Bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.

Theo VCCI, với quy định này, gánh nặng thực thi của doanh nghiệp liên quan tới vấn đề môi trường tăng lên đáng kể. Trong khi đó, vấn đề này lại mới chỉ được quy định rất sơ sài trong Dự thảo. Cụ thể, các Điều 32-33 của Dự thảo mới chỉ quy định về căn cứ và các nội dung bắt buộc phải có của kế hoạch, chưa có bất kỳ quy định nào về các tiêu chí để phê duyệt kế hoạch.

“Vậy cơ quan thẩm định căn cứ vào đâu để thẩm định và phê duyệt hay từ chối phê duyệt kế hoạch của doannh nghiệp? Sự thiếu vắng quy định về vấn đề quan trọng này có nguy cơ dẫn đến việc cán bộ thực thi sẽ tuỳ tiện trong việc phê duyệt hay không phê duyệt kế hoạch của doanh nghiệp, dễ dẫn đến các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực”, VCCI đặt câu hỏi.

Đồng thời, VCCI cũng lưu ý rằng các quy định tại Điều 32 (về căn cứ xây dựng kế hoạch) có thể được sử dụng một phần làm tiêu chí phê duyệt, tuy nhiên bản thân các căn cứ này hiện cũng rất chung chung và khó áp dụng trên thực tế để làm căn cứ phê duyệt kế hoạch.

VCCI dẫn chứng tại điều 32.1 yêu cầu dự án phải có hoạt động thuộc danh mục Phụ lục 01 của Nghị định này.

Tuy nhiên, Phụ lục 01 bao gồm rất nhiều các hoạt động và không rõ là doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một hay tất cả những hoạt động này thì mới được phê duyệt kế hoạch? Nếu chỉ cần thực hiện một hoặc một vài hoạt động thì là hoạt động nào, căn cứ nào để xác định? Với mỗi hoạt động thì cần phải thực hiện ở mức nào (hay cứ miễn có một hoặc một số hoạt động là được)?

Điều 32.2 yêu cầu kế hoạch của doanh nghiệp phải phù hợp với đề án giảm nhẹ phát thải cấp lĩnh vực và cấp tỉnh (tương tự Điều 15.4 của Dự thảo). Tuy nhiên, quy định như vậy được hiểu rằng các đề án cấp tỉnh và cấp lĩnh vực có nội dung về những gì doanh nghiệp phải làm, tức là mang tính quy phạm pháp luật (tức là phải ở dạng Thông tư của Bộ trưởng và Quyết định của UBND cấp tỉnh). Trong khi đó, Dự thảo chưa làm rõ về hình thức văn bản của các đề án này. Hơn nữa, về mặt bản chất, các quy phạm được xem như là tiêu chí tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được phê duyệt kế hoạch cần phải được quy định trong văn bản có giá trị pháp lý cao (tương tự Nghị định này), được áp dụng thống nhất và công bằng với các doanh nghiệp chứ không thể là văn bản ở cấp thấp, đặc biệt là văn bản pháp luật ở cấp địa phương.

Quan trọng hơn, theo VCCI bản thân chính sách, pháp luật hiện tại chưa thể nhận diện và xác định được với mỗi doanh nghiệp thì mức giảm phát thải khí nhà kính phải ở mức nào, mức đó được tính trong tổng mức giảm phát thải chung của cả ngành hay trong tương quan với mức phát thải của chính doanh nghiệp…

“Do đó, việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch này của doanh nghiệp, nếu được thực hiện, cũng rất hình thức bởi không có hạn mức nên doanh nghiệp có thể chỉ cần liệt kê một/một vài hoạt động không đóng góp gì lớn vào mức giảm phát thải. Trong khi lại có nguy cơ tạo dư địa nhũng nhiễu cao do không có tiêu chí nào về mức nên cơ quan thẩm định có thể yêu cầu một mức rất cao, cũng có thể yêu cầu một mức thấp”, VCCI nêu.

Hiện Việt Nam đã là thành viên của Thoả thuận Paris, theo đó Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản tăng trưởng thông thường, trong đó cường độ phát thải trên một đơn vị GDP sẽ giảm 20% so với năm 2010 và độ che phủ rừng tăng lên mức 45%. Theo VCCI, với cam kết cắt giảm này, Việt Nam chỉ cần tập trung vào các đề án cấp quốc gia, cấp lĩnh vực và cấp tỉnh là có thể đạt được mục tiêu cắt giảm 8% về lượng và 20% về cường độ đến năm 2030, hoàn toàn không cần thiết phải bổ sung thêm một thủ tục có ảnh hưởng lớn tới tất cả các doanh nghiệp thuộc diện phải làm báo cáo ĐTMT.

“Các phân tích trên cho thấy dường như việc bắt buộc một số lượng lớn các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (kế hoạch cấp cơ sở) là không cần thiết, vượt quá yêu cầu trong cam kết, trong khi lại có thể gây ra những nguy cơ cao về chi phí thực thi. Đồng thời, việc bắt buộc doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch cắt giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng sẽ tạo ra dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu”, VCCI nêu.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.

Huyền Trang