Indonesia muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Việt Nam

Nguyễn Long 18/01/2018 19:01

Ông Petrus Tjandra, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia cho biết Indonesia rất mong muốn đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.

Chủ tịch VCCI TS, Vũ Tiến Lộc tiếp ông ông Petrus Tjandra Phó chủ tịch Phương mại công nghiệp Indonesia.

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tiếp ông Petrus Tjandra, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia.

Tại buổi tiếp ông Petrus Tjandra tại trụ sở VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ: Hai nước đã là đối tác chiến lược của nhau, nên hai Phòng thương mại của 2 nước cũng là đối tác chiến lược của nhau. "Chúng tôi muốn mời nhiều nhà đầu tư Indonesia tới Việt Nam để có nhiều hơn quan hệ kinh doanh giữa 2 nước. Cơ hội cho các doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào Việt Nam là rất lớn, trước tiên là nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác thúc đẩy du lịch. Indonesia là một quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển, vì vậy chúng tôi mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn. Ngoài ra, các lĩnh vực như công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng sạch cũng là các lĩnh vực mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước", TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Indonesia hiện đang phải nhập khẩu gạo với số lượng lớn. Vì vậy, ông Petrus Tjandra hy vọng sẽ ký kết được các thỏa thuận hợp tác nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam sang Indonesia.

“Hiện nay giá thành sản xuất gạo ở Indonesia đang cao hơn Việt Nam, trong khi các điều kiện sản xuất ở hai nước là tương đương nhau. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác sản xuất gạo với Việt Nam. Sản phẩm gạo sẽ được Indonesia nhập khẩu một phần để cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại sẽ được xuất khẩu sang các nước khác”, ông Petrus Tjandra chia sẻ.

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết: Thu nhập tối thiểu của người lao động trong ngành dịch vụ từ 150 đến 200 USD, trong khi thu nhập tối thiểu của người nông dân có thể là dưới 100 USD. Chúng tôi may mắn có khí hậu thích hợp cho trồng lúa và có sông Mekong. Hầu hết công việc nông nghiệp đã dùng đến máy móc, trong đó một số máy móc được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã cho phép các công ty nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam, trong đó phần lớn các công ty có 100% vốn đầu tư của nước ngoài.

"Theo khảo sát của VCCI và PwC, trong số 21 quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam cùng với Mỹ và Trung Quốc là những nền kinh tế tiềm năng nhất cho đầu tư. Do đó, chúng ta cần thiết lập một kế hoạch hành động và hợp tác giữa 2 Phòng Thương mại và Công nghiệp của 2 nước trong những năm tới", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Với sự hợp tác và hỗ trợ từ VCCI, ông Petrus Tjandra kỳ vọng doanh nghiệp hai bên sẽ có nhiều thông tin về nhau để từ đó có những kết nối cụ thể hơn. Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia sẽ tiến hành phối hợp với VCCI tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Indonesia và tổ chức các diễn đàn để cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa 2 bên.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia đã tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm.

Sau 62 năm quan hệ ngoại giao, hai nước vẫn luôn giữ vững và phát triển mạnh mẽ hoạt động thương mại hai chiều. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo. Trong khi đó, Indonesia là quốc gia đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác than…

Nguyễn Long