VCCI một năm "bận rộn" và một vị thế mới
Nhìn lại thành công của năm APEC 2017, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói rằng, thành công của Việt Nam càng có ý nghĩa khi Tuần lễ Cấp cao diễn ra trong một giai đoạn rất khó khăn với nhiều thách thức của APEC.
Nhưng bất chấp các thách thức đó, cuối cùng, các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đã có tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Bộ trưởng các nước thành viên cũng đã đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP. Với nỗ lực trong công tác tổ chức của Việt Nam, APEC 2017 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong tình hình mới…
Năm “bận rộn” nhất của VCCI
Khi nói tới thành công của APEC, không thể không nhắc tới những hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp kéo dài trong suốt cả năm 2017 do VCCI chủ trì như: Giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); Tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC tại thành phố Hồ Chí Minh; Diễn đàn Doanh nghiệp Nữ APEC tại Huế;Tổ chức cho doanh nghiệp APEC và Việt Nam tham gia đối thoại với các Bộ trưởng APEC về Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp…
Trong Tuần lễ cấp cao, VCCI đã chủ trì và tổ chức thành công các hoạt động lớn của doanh nghiệp: Kỳ họp ABAC 4 và Đối thoại giữa ABAC với các nguyên thủ APEC, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) (7/11/2017) và Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit 2017 (08-10/11/2017). Đặc biệt, gần 40 doanh nghiệp tài trợ chính thức cho Năm APEC 2017, với tổng mức tài trợ gấp hơn năm lần so với APEC 2006 và là mức kỷ lục từ trước tới nay cho các hội nghị tổ chức tại Việt Nam.
Hội nghị VBS và APEC CEO Summit đã đi vào lịch sử APEC khi cả hai cùng ghi dấu những ấn tượng đặc biệt đối với các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo APEC. Trong đó, Hội nghị VBS được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị APEC, là sáng kiến của Việt Nam. Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy”, VBS đã thảo luận các vấn đề về phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam như chiến lược, định hướng đổi mới, các chính sách, biện pháp thúc đẩy cải cách, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
VBS đã có 6 phiên thảo luận chuyên đề về các lĩnh vực: nông nghiệp thông minh, tài chính cho phát triển, giáo dục và y tế, cơ sở hạ tầng, đặc khu kinh tế và du lịch, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các Bộ ngành chủ chốt của Việt Nam, lãnh đạo các địa phương cùng sự tham gia của đông đảo của lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội nghị này càng khẳng định thêm sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến các chính sách phát triển của Việt Nam cũng như các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Với hơn 1.000 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước, VBS 2017 là Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh đầu tiên của Việt Nam và cũng là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay. Với sáng kiến tổ chức Hội nghị lần này, Việt Nam nói chung và VCCI nói riêng không chỉ thành công trong việc xúc tiến chính sách đổi mới, thu hút đầu tư kinh doanh, mà còn là diễn đàn hiệu quả để các nhà hoạch định chính sách lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày một thông thoáng, minh bạch hơn.
Nếu như VBS được ghi dấu ấn là sáng kiến của Việt Nam thì APEC CEO Summit 2017 là Hội nghị lớn nhất trong lịch sử tổ chức các hội nghị APEC CEO Summit, với sự tham dự của hơn 2.100 đại biểu tham dự. Trong đó có 1.200 đại biểu nước ngoài, 900 đại biểu trong nước. Hội nghị cũng được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu người xem trên thế giới qua kênh truyền hình quốc gia cũng như thông tấn quốc tế. 10 tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới đã chính thức tham gia bảo trợ truyền thông, quảng bá cho Hội nghị như CNN, CNBC, Bloomberg, BBC, CCTV… Điều này càng làm tăng hiệu quả lan truyền của Hội nghị nói riêng và hình ảnh của Việt Nam nói chung ra toàn thế giới.
Hội nghị APEC CEO Summit 2017 còn được chính các đại biểu tham gia đánh giá là Hội nghị có chất lượng thảo luận cao nhất với sự tham gia thảo luận của 10 Lãnh đạo cấp cao APEC, 5 lãnh đạo tổ chức quốc tế, 29 CEOs hàng đầu thế giới. Đặc biệt, các nội dung thảo luận tại Hội nghị như tương lai toàn cầu hóa, tương lai việc làm, nhân tố tạo việc làm mới, chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối để phát triển, những chân trời mới trong thương mại, thương mại điện tử, tương lai APEC sau 2020… đã đáp ứng được những ưu tiên hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Thông qua APEC CEO Summit, các doanh nghiệp Việt Nam đã có một bước phát triển vượt bậc, trưởng thành hơn rất nhiều trong quá trình toàn cầu hóa. Việc doanh nghiệp Việt Nam tích cực đóng góp vào quá trình tổ chức thông qua tài trợ cho sự kiện cũng như tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận được đánh giá rất cao. Hầu như các phiên thảo luận đều có doanh nghiệp Việt Nam tham gia sánh bước với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, các học giả, các nhà nghiên cứu cùng bàn bạc thảo luận về các vấn đề toàn cầu.
Một vị thế mới…
Không thể phủ nhận, năm 2017 là một năm đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà cả với VCCI, đó là một năm “bận rộn” không thể nào quên của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Những thành công của Năm APEC 2017 đã ghi dấu sự chuyên nghiệp của VCCI, thêm bản lĩnh, thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế.
Nối dài các thành công của Năm APEC 2017, bước vào năm 2018 với một tâm thế, vị thế mới, VCCI sẽ tiếp tục các hoạt động xúc tiến song phương và đa phương, gia tăng hiệu quả thành công của APEC, đồng thời góp phần xúc tiến phát triển quan hệ kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và trên toàn thế giới.
Dự kiến VCCI sẽ tiếp tục các sự kiện lớn như : Hội nghị “Tương lai của Việt Nam – Hậu WTO”; Diễn đàn VBF, phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Pháp, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, EUROCHAM... tổ chức hàng loạt các hội nghị song phương và đa phương để tiếp tục triển khai cũng như chắp nối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Hỗ trợ các địa phương thúc đẩy các kế hoạch đầu tư. Phát triển Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam thành Hội nghị thường niên lớn nhất về xúc tiến phát triển của Việt Nam…
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đã bước ra khỏi Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 với một vị thế mới. Nhưng vị thế đang lên đó đã đặt Việt Nam trước những thách thức mới trong việc tiếp tục thúc đẩy cải cách trong nước và tham gia kiến tạo nền kinh tế toàn cầu, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Về phần mình, VCCI sẽ tiếp tục thúc đẩy giới kinh doanh các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam, góp phần tạo làn sóng ủng hộ và đầu tư vào Việt Nam sau APEC.
“Sự chủ động, chín chắn, bước trưởng thành của các doanh nghiệp trong việc tham gia, đóng góp Tuần lễ Cấp cao APEC và đĩnh đạc thảo luận các vấn đề lớn nhất của thương mại toàn cầu đã hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững, lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nói.