Cạnh tranh không phải bằng “cơ bắp” mà bằng trí tuệ, tốc độ
"Quy mô không còn quan trọng, mà tốc độ mới là quan trọng, những doanh nghiệp khởi nghiệp của ngày hôm nay có thể trở thành "đại gia" trong nền kinh tế sau 5-10 năm nữa".
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phát biểu như vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp sáng ngày 28/2.
Ranh giới giữa các doanh nghiệp bị xóa nhòa
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết: Nếu trước đây doanh nghiệp nhỏ chỉ tiếp cận thị trường thế giới bằng cách liên kết với doanh nghiệp lớn, thì bây giờ hoàn toàn có thể tự thiết lập mối liên hệ. Một thợ may ở Hội An hay chủ một khách sạn nhỏ, một nhà hàng ở Đà Nẵng, một hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đều có thể tự tiếp cận khách hàng ở châu Âu, châu Mỹ… Ranh giới giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn đang bị xóa nhòa. Sức cạnh tranh đã không nhất thiết tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp mà tùy thuộc vào sự năng động của các doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bao giờ cũng là xương sống của nền kinh tế ở mọi nước trên thế giới, kể cả châu Âu hay châu Mỹ, các doanh nghiệp này luôn chiếm tỷ lệ 98-99% của các nền kinh tế. APEC 2017 cũng nói nhiều về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và xác định đây sẽ là động lực phát triển chính của kinh tế thế giới trong thời gian tới với sự tiếp sức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin và internet làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có thể tham gia vào thị trường thế giới, cũng có thể trở thành chủ thể của thị trường thế giới.
Trước đây nền thương mại thế giới được thống trị bởi các doanh nghiệp siêu lớn, các tập đoàn chi phối. Sự thống trị của 1 vạn doanh nghiệp lớn đã tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng đối với nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, bây giờ với kỷ nguyên của công nghệ số và tiếp sức của internet, có hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò chính, là chủ thể của nền kinh tế thế giới. Khi đó, nền kinh tế sẽ biến đổi khôn lường.
“Quy mô không còn quan trọng, mà tốc độ mới là quan trọng, những doanh nghiệp khởi nghiệp của ngày hôm nay có thể là "đại gia" trong nền kinh tế sau 5-10 nữa, trong khi đó các doanh nghiệp đại gia hiện nay có thể biến mất trên thị trường trong vài ba năm sau”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định và cho biết, chuẩn mực đã thay đổi, cạnh tranh không phải bằng “cơ bắp” mà bằng trí tuệ, tốc độ.
Khó đạt mục tiêu nếu không quyết tâm
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, nhìn lại 30 năm đổi mới, Việt Nam là một câu chuyện thành công. Chúng ta cũng đã chuyển thành công từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và phát triển doanh nghiệp tư nhân (trước đây không có doanh nghiệp tư nhân).
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố quan điểm nước Mỹ là trên hết. Và Việt Nam với tư cách nền kinh tế chủ nhà APEC 2017 đã đạt được hai thành công quan trọng: Thứ nhất là tiếp tục thúc đẩy được toàn cầu hóa mặc dù chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, thuyết phục được các nhà lãnh đạo các nền kinh tế đồng ý có được tuyên bố chung. Thứ hai hai là thỏa thuận bên lề Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được hồi sinh với vai trò dẫn dắt của Nhật Bản (nay là CPTPP) và vai trò quan trọng của nước chủ nhà Việt Nam. Hiện Mỹ đã để ngỏ khả năng quay trở lại tham gia Hiệp định này, và Vương quốc Anh cũng bày tỏ khả năng tham gia dù không nằm trong khu vực.
CPTPP đã không chỉ quan trọng đối với quá trình hội nhập của chúng ta mà còn là động lực thúc đẩy thể chế. Hội nhập không chỉ mang lại sự mở rộng thị trường thương mại mà còn là động cơ tạo ra thay đổi thể chế trong nước cho phù hợp với nền kinh tế thế giới.
Một quan điểm quan trọng nữa cũng được thống nhất trong kỳ APEC này là các nhà lãnh đạo thống nhất đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của sự phát triển; “Doanh nghiệp” đã được đặt cạnh “người dân” trong tuyên bố chung được công bố và phát biểu nhấn mạnh của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhân dịp này, TS. Vũ Tiến Lộc với tư cách Chủ tịch APEC 2017 một lần nữa cảm ơn Đà Nẵng đã đóng vai trò thành phố đăng cai, tổ chức thành công APEC. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, kinh phí tổ chức cho kỳ APEC này cũng chủ yếu từ xã hội hóa, điều này cho thấy sức dân là vô hạn và cũng là bài học huy động sức dân vào các sự kiện lớn. Do đó, huân chương lớn nhất phải trao cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trước khi trao cho chính phủ, cho nhà tổ chức.
Dù đã có những thành tựu qua 30 năm đổi mới và thành công nổi bật của năm 2017, nhưng khi định vị lại trong cuộc chạy đua của các nền kinh tế thế giới, chúng ta vẫn còn một khoảng cách rất xa để đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực, trên thế giới .
“Chúng ta đưa ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành 1 trong 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh hàng đầu ASEAN nhưng thật sự không dễ dàng và rất khó khăn nếu không có được quyết tâm chính trị, tinh thần cải cách lần thứ hai, nếu không có được quyết tâm để hồi sinh lại, tạo động lực mới cho quá trình cải cách, để tận dụng những đổi mới”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.