VCCI sẽ đẩy mạnh góp ý cải thiện môi trường kinh doanh trong 2018

Ngọc Hà 05/03/2018 19:36

Tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng, góp ý chính sách pháp luật, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh doanh tại các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2018.

VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2018.

VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2018.

Theo đó, VCCI tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, và tham mưu cho Đảng, Nhà nước. Trong đó, tập trung vào Luật sửa đổi bổ sung các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, tiến hành một số nghiên cứu đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật để kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật cũng như tiếp tục tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định,... 

Góp ý xây dựng pháp luật

Năm 2017 VCCI đã tổ chức được khoảng 475 hội nghị, hội thảo góp ý chính sách, pháp luật với sự tham dự của 84.500 lượt doanh nghiệp.

Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với 180 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tổng hợp ý kiến và xây dựng công văn góp ý đối với 138 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị xây dựng văn bản pháp luật và văn bản khác bao gồm: 09 đề nghị xây dựng văn bản (Luật, Nghị định), dự thảo 12 luật, 49 nghị định, 01 nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 05 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 38 thông tư, 10 văn bản của địa phương và 14 văn bản khác. Đặc biệt, VCCI đã tập trung góp ý Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật cạnh tranh qua nhiều giai đoạn với nhiều phiên bản khác nhau. Các hoạt động góp ý xây dựng pháp luật đã có hàng nghìn ý kiến của doanh nghiệp gửi đến VCCI thông qua các hội thảo, tọa đàm, Website và nhiều hình thức khác, đã được VCCI tập hợp hoàn chỉnh các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trang Web Vibonline.com.vn của VCCI được cập nhật hàng ngày. Tính đến cuối năm 2017 đã đăng tải 243 lượt dự thảo văn bản pháp luật, có 10.890.753 lượt truy cập. Trang tin tức đăng tải bài viết, tin tức về xây dựng pháp luật, tin chính sách phụ trợ cho trang VibOnline cũng thu hút hơn 8 triệu lượt truy cập.

Tạo được tiếng vang trong cộng đồng doanh nghiêp

Ngày 28/2/2018, VCCI đã công bố báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật. Theo đó, Ban Tổ chức đã bình chọn ra 30 quy định tốt và 24 quy định chưa tốt. Việc bình chọn được thực hiện trên cơ sở một Bộ tiêu chí thống nhất do VCCI và Hội đồng chuyên gia xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục được chuyển đổi, hệ thống quản lý nhà nước đang được đổi mới theo hướng hội nhập, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước. 

Nhìn chung, hoạt động xây dựng chính sách pháp luật của VCCI được các doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình và đánh giá tích cực. Đồng thời, VCCI đã thể hiện rõ vai trò và vị thế đại diện cộng đồng doanh nghiệp, có tiếng nói thuyết phục tới các cơ quan Đảng, Nhà nước. VCCI đã tham gia góp ý xây dựng nhiều chính sách pháp luật quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và doanh nghiệp như: 3 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 được coi là những chính sách trụ cột nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển, đồng thời khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020; Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 06/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật sau khi tiếp thu góp ý của VCCI đã được điều chỉnh một cách tích cực, có nhiều sửa đổi quan trọng theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, gỡ bỏ nhiều rào cản tiếp cận thị trường, phân biệt quy mô doanh nghiệp, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý. Ví dụ: Nghị định về kinh doanh khí, Nghị định về xuất khẩu gạo, Nghị định hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm, Nghị định về hoạt động in, Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô...

Ngọc Hà