Sức sống mới với PCI
Những năm gần đây, Chính phủ định kỳ hàng năm ban hành các Nghị quyết (đều lấy số 19) với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và cũng định kỳ tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết này để kiểm tra các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp... đã thực hiện như thế nào. Điều đáng nói, việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ đã được doanh nghiệp “soi” bằng PCI.
PCI qua hơn 10 năm tự thân đã thể hiện sức sống của mình. Điểm trung vị đang tiếp tục được cải thiện với hơn 95% số tỉnh thành có điểm số tốt hơn so với năm 2005, nhất là các tỉnh thuộc nhóm yếu, trung bình trước đây. Tuy nhiên, đối với các tỉnh nhóm trên, mức độ cải thiện đang bị chững lại, dao động trong khoảng từ 65 – 70/100 điểm.
Ở tầm quốc gia, chúng ta vui mừng khi năm qua trên cả 4 bảng chỉ số xếp hạng nêu trên, Việt Nam đều cải thiện cả về điểm số và thứ hạng nhưng cũng như PCI địa phương, vị trí cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy cải cách để vượt qua thứ hạng trung bình không khó, cải cách để có được sự đổi mới, sáng tạo, lọt vào “top” đầu là cả một thử thách vô cùng lớn. Nhưng không có lựa chọn nào khác khi chúng ta đã chấp nhận “cuộc chơi” toàn cầu. PCI sắp tới phải được đặt trong bối cảnh đó để nhận thêm sức sống mới, để trở thành công cụ hữu hiệu hơn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc góp phần thực hiện nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Mục tiêu của Chính phủ
Các Nghị quyết này, dù trước hết là từ nhu cầu tự thân của công cuộc cải cách kinh tế, tư pháp của đất nước, những đòi hỏi cấp bách, quyết liệt trong nước thì việc xây dựng các tiêu chí, các chỉ số, chỉ số thành phần... để đo đếm kết quả cải cách dựa vào các bộ chỉ số phổ biến, thông dụng và khá lâu đời của quốc tế như của Ngân hàng thế giới (WB) với Chỉ số môi trường kinh doanh, của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia (GCI), của Liên hợp quốc với Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) và với Chỉ số đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Mục tiêu phấn đấu nêu ra tại các Nghị quyết này cũng rất cụ thể với nội dung gì, có thời hạn, phải xác định được, điểm số là bao nhiêu xếp thứ hạng nào trên bản đồ cạnh tranh toàn cầu, cho từng năm và cho trung hạn.
Ví dụ Nghị quyết 19 đặt mục tiêu đến năm 2020, Chỉ số môi trường kinh doanh của WB (với 11 chỉ tiêu thành phần) cụ thể Việt Nam phải rút ngắn được bao nhiêu ngày (cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký quyền tài sản, xuất nhập khẩu, tranh chấp hợp đồng, thủ tục phá sản v.v...) hoặc đứng ở thứ hạng nào (khởi sự kinh doanh, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư); với WEF, Việt Nam phải đạt được điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN – 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh; với EGDI về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tối thiểu Việt Nam phải xếp thứ hạng 70 hay với WIPO, các Chỉ số đổi mới sáng tạo phải đạt mức trung bình của ASEAN – 5.
Với Nghị quyết 35/CP năm 2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị triển khai hiệu quả các Nghị quyết này theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp mà các mục tiêu chung đặt ra đến năm 2020 là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động và hai mục tiêu cụ thể là phải có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, hàng năm phải có 30 – 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới, sáng tạo. Điều này cũng có nghĩa là trong đánh giá kết quả thực hiện, ngoài thông lệ là ở các báo cáo của cơ quan thông thường là rất chung chung, định tính kiểu như đã Tăng (cường), Nâng (cao), Đẩy (mạnh) và đã tiến thêm một bước, thì lần này Chính phủ sẽ tham khảo các xếp hạng, cho điểm của các tổ chức quốc tế liên quan để đánh giá kết quả của chính mình thông qua cách chấm điểm từ bên ngoài, trong so sánh với ASEAN và thế giới.
Cách tiếp cận về cải cách ở cấp quốc gia này làm ta liên tưởng đến cách tiếp cận của PCI ở cấp địa phương, lấy sự hài lòng của đối tượng thụ hưởng cải cách là các doanh nghiệp dân doanh để đánh giá, xếp hạng chính quyền địa phương suốt hơn 10 năm qua.
Không giao nhiệm vụ chung chung
Trong các Nghị quyết 19 và 35, điểm rất mới là Chính phủ không giao nhiệm vụ chung chung mà đã “chỉ mặt, đặt việc” cụ thể. Để triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ở địa phương, hàng chục sở chuyên ngành, tòa án địa phương, đến lượt mình, lại được giao tiếp các nhiệm vụ cụ thể như đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, thuế và hải quan, đất đai, môi trường... cho đến việc giải quyết tranh chấp, phá sản doanh nghiệp.
Qua đối chiếu cho thấy nhiều chỉ số thành phần trong PCI và các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 có nhiều nội dung gần giống nhau. Từ đây có thể rút ra hai kết luận:
Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 sẽ không xa lạ với chính quyền địa phương vì nhiều địa phương đã triển khai các quyết định, nghị quyết cải thiện PCI từ hơn 10 năm nay.
Thứ hai, PCI sẽ được tiếp thêm sức mạnh mới để có thể cải thiện mạnh hơn nữa nhờ sức ép từ trên xuống nhằm cải thiện thứ bậc, xếp hạng quốc gia từ 4 bộ chỉ số nói trên mà Chính phủ đang “gồng” mình thực hiện.
Tóm lại, trong mối quan hệ tương hỗ giữa PCI với các Nghị quyết 19 và 35, chúng ta có thể thấy cách tiếp cận về cơ bản là giống nhau: tham khảo sự đánh giá bên ngoài để đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng cạnh tranh, dựa theo các tiêu chí đã thành thông lệ về khả năng cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Vấn đề còn lại là cần bổ sung các chỉ tiêu khác của Nghị quyết 19 và 35 mà PCI hiện đang chưa có. Ngược lại, quá trình cải thiện chỉ số PCI tại địa phương cũng sẽ được tiếp sức từ trung ương thông qua hai hoạt động chính.
Một là, trung ương đang tiếp tục ban hành các quy định nhằm đẩy nhanh, mạnh, toàn diện hơn các thủ tục hành chính, tư pháp theo hướng rút ngắn thời gian, tiếp kiệm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, bãi bỏ bớt các điều kiện kinh doanh.
Hai là, với việc tự ép xếp hạng lớn như vậy, Chính phủ và các Bộ ngành không thể không dựa vào việc cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương để góp phần thay đổi thứ hạng cạnh tranh quốc gia. PCI 2018 lại được tiếp thêm sức mạnh từ trên xuống, để cảnh “trên nóng dưới lạnh” như là hiện tượng bất thường, kéo dài trước đây sẽ được cải thiện theo hướng “trên nóng, dưới càng phải nóng hơn”.
Trong thời đại ngày nay, cái gốc của hưng thịnh quốc gia là ở khả năng cạnh tranh quốc gia và gốc đó sẽ vững bền trong mỗi người dân và khi tinh thần cạnh tranh ngấm sâu trong từng địa phương, doanh nghiệp.