PCI 2017: 10,7% DNNVV Việt Nam là khách hàng của doanh nghiệp FDI

Nhóm PV 22/03/2018 10:19

Khoảng 49,2% doanh nghiệp FDI vẫn nhập nguồn nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp nước xuất xứ, 26,6% là do các doanh nghiệp nước thứ ba cung cấp. Số liệu này vừa được đưa ra tại Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được tổ chức sáng 22/3.

Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017

Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có ít nhất một nhà cung cấp tư nhân Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2017 là 62,8%, giảm 5,7 điểm phần trăm so với năm 2016, tuy nhiên cao hơn nhiều điểm phần trăm so với năm 2011. Có được điều này phải kể đến những kết quả có được từ việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Kết quả điều tra PCI - FDI năm 2017 cho thấy nhiều điểm lạc quan. Với bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, điều tra này cho thấy niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài lên cao, gánh nặng quy định giảm, tình trạng tham nhũng và mối quan hệ lao động có nhiều cải thiện. Điều quan trọng đó là những thay đổi tích cực này là một phần kết quả của những nỗ lực cải cách hành chính trên một số lĩnh vực cũng như sự tăng cường chấn chỉnh hoạt động thanh tra quá mức và chống tham nhũng.

Ông

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.

Nhận định chung về những những tiến bộ của báo cáo, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhận định: “Nhìn chung các chỉ số PCI của các tỉnh đang ngày càng được cải thiện, điều này được thể hiện ở các chỉ số PCI đều cao. Cụ thể điểm trung bình năm 2017 đã đạt 60,2 điểm. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các chỉ số tham nhũng và chi phí không chính thức đã giảm trong 2 năm vừa qua, có được điều này đó chính là những sáng kiến chống tham nhũng đã được Việt Nam mạnh mẽ triển khai trong thời gian vừa qua”. Chính những điều này đã thu hút sự tham gia ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động cho thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp hay cá nhân nước ngoài khác tại Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan nhà nước chiếm tỷ lệ lần lượt là 10,7% và 4,3%, thấp nhất trong những năm gần đây.

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có xu hướng là một mặt xích trong chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Hơn 60% doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, 33,7% xuất khẩu về nước xuất xứ và 26,6% xuất khẩu sang nước thứ ba. Đặc điểm liên kết quốc tế cao như vậy của các doanh nghiệp Fdi nhìn  chung sẽ là cơ hội cho nước sở tại tận dụng hiệu ứng lan toả năng suất vào phát triển nền kinh tế nội địa, như các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Đài Lian, Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, theo ông Daniel Kritenbrink, Việt Nam chỉ có thể khai thác được hết tiềm năng này bằng cách triển khai các ngành công nghiệp phụ trợ với các doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.

Nhóm PV