Hàn Quốc- đối tác trọng điểm của Hà Nội trong thu hút đầu tư công nghệ cao
Hà Nội xác định Hàn Quốc là đối tác có vị trí đặc biệt quan trọng và mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tích cực đầu tư vào các dự án về điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng khu đô thị vệ tinh, logistics... trong thời gian tới
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức chiều ngày 23/3 tại Hà Nội.
Là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được nhiều doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn, Hà Nội hiện đang được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đánh giá là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện và minh bạch.
Tuy nhiên theo ông Quyền, nhìn nhận một cách khách quan, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trong thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của cả hai bên. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Hàn Quốc mới đạt 445 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng truyền thống như hàng nông sản, dệt may, kim khí...
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp FDI tại Hà Nội cho thấy, có 43% doanh nghiệp Hàn Quốc có ý định tăng quy mô kinh doanh tại Hà Nội. Đây là một con số còn khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng như hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định, Hà Nội xác định "Hàn Quốc là đối tác trọng điểm", thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp để bảo đảm tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng trên tinh thần hoạt động hiệu quả, ổn định, lâu dài, hai bên cùng có lợi.
"Hà Nội luôn chú trọng cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện. Đặc biệt chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và thực thi những cam kết quốc tế để doanh nghiệp Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận thị trường, cũng như các dự án đầu tư tiềm năng tại Hà Nội", ông Quyền cho biết.
Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tìm hiểu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch hai chiều giữa Hà Nội và Hàn Quốc; quảng bá trực tuyến sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng Hàn Quốc và đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối của Hàn Quốc tạị cả hai nước.
Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai (sau Nhật Bản) về đầu tư vào Hà Nội với 1.175 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,033 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đến Hà Nội là không nhỏ và có xu hướng tăng lên trong tương lai. Đặc biệt sự xuất hiện của những tập đoàn lớn như LG, Samsung, Deawoo... đã trở thành “người dẫn đầu” xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Hà Nội.
Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành một Nghị định riêng, theo đó cho phép áp dụng cơ chế riêng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc và cho phép các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Với việc hợp tác khởi công xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) được động thổ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chắc chắn sẽ là cơ hội để Hà Nội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, định hướng ưu tiên trong thu hút FDI mà Hà Nội đã xác định từ nhiều năm nay.
Ngoài các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, Hà Nội cũng xác định khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn... và đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn.