Các nước GMS cần tập trung vào 3 vấn đề chính để vượt qua thách thức

Cẩm Anh 30/03/2018 13:10

Tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, tham gia chuỗi giá trị và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là những vấn đề trọng tâm của các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) trong tương lai gần.

Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS 2018, TS. Sombat Thiratrakoolchai, Phó Chủ tịch cấp cao CP Food PCL Thái Lan cho biết,  các nước GMS và các đối tác phát triển của họ cần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng.

"Các nước GMS và các đối tác phát triển cần tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy giao thông và thương mại để từng bước loại bỏ những rào cản đối với sự vận chuyển hàng hoá, giao thông và dịch vụ trong khu vực nhằm làm nổi bật một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của khu vực GMS là thương mại xuyên biên giới”. GMS là khu vực duy nhất ở châu Á có thoả thuận toàn diện nhất về đẩy mạnh vận tải xuyên biên giới", TS. Sombat nói.

Ngoài ra, TS. Sombat cũng nhấn mạnh, các nước GMS và các đối tác phát triển cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, chăm sóc sức khoẻ và lao động nhằm chống lại việc lây lan bệnh dịch thông qua dòng lao động, bao gồm cả di cư, và dòng hàng hóa.

Theo ông Sombat, hiện nay các nước GMS đang phải đối mặt với ba thách thức lớn liên quan đến kết nối cơ sở hạ tầng, tham gia chuỗi giá trị, và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại các nước GMS vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là ở Myanmar. Mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ, cơ sở hạ tầng đường sắt bị lạc hậu, và kết nối giữa các cảng biển và cảng container nội địa với các trung tâm sản xuất và các thành phố lớn chưa được phát triển sẽ cản trở sự phát triển của các nước GMS. 

Một trong những phiên thảo luân tại Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Các đại biểu tham gia một trong những phiên thảo luận tại Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Một thách thức nữa nằm ở việc hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị, phát triển các cơ sở logistics và sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân. Trong khi đó, các vấn đề bao gồm thay đổi khí hậu, lây lan bệnh tật do chung biên giới, và số lượng lớn lao động di cư không có tay nghề cũng cần được giải quyết.

"Ngoài ra, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra một thách thức lớn đối với GMS. Hợp tác về công nghệ thông tin trong GMS vẫn còn yếu và cần được tăng cường mạnh mẽ trong tương lai", ông Sombat nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu đều nhận định, GMS có tiềm năng lớn về thương mại và phát triển kinh tế. "Nền kinh tế của các nước GMS đã thay đổi ngoạn mục và trở nên mạnh hơn", ông Chalat Wongsanguan, Chủ tịch GMS-FRETA, Thái Lan nói và cho biết, mặc dù hầu hết từng là những nước kém phát triển, nhưng bây giờ các quốc gia GMS đã vươn lên nhóm có thu nhập trung bình khá và sở hữu tiềm năng lớn.

"Các nước GMS có thị trường khổng lồ và những điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại xuyên biên giới nhờ vào đường giao thông và biên giới dài, đặc biệt là thương mại biên giới giữa Trung Quốc và Lào, Myanmar và Việt Nam, và Lào và Thái Lan", ông Chalat cho biết.

Ông Chalat cũng cho biết thêm, các nước GSM hiện đang ưu tiên phát triển 17 khu kinh tế biên giới để thúc đẩy các mối liên kết thương mại và đầu tư. Nhờ những lợi thế này, các nước GMS đã thu được nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất.

Trong thời gian qua, tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong với các chương trình và hiệp định đã ký kết trong khối GMS đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lên đến 66 tỷ USD dành cho hơn 220 dự án trên toàn khu vực.

Các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong đã trải qua 25 năm hợp tác và phát triển. Để có thể gắn kết với nhau, yếu tố tương đồng văn hóa chính là chất kết dính, gắn bó các nước dọc sông Mekong trong suốt chiều dài lịch sự. Điều này tạo cơ sở đưa hợp tác về kinh tế trở thành hướng phát triển tất yếu của các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong”.

Có thể khẳng định các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong đang đứng trước cơ hội phát triển hết sức khả quan. Đây là thị trường của hơn 340 triệu dân có nhiều sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán. Đây cũng là một thị trường hết sức tiềm năng với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, với nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiệt đới phong phú, nhiều thế mạnh về các sản phẩm nông sản, với vị trí chiến lược kết nối với các khu vực: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á.

Cẩm Anh