VCCI đồng hành cùng doanh nghiệp đón làn sóng đầu tư
VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, hiệp hội doanh nghiệp cải thiện và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh để khu vực Duyên hải phía Bắc thực sự là cửa ngõ đón làn sóng đầu tư lớn thứ 3 của nền kinh tế.
Đó là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại Hội nghị Doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018, được tổ chức ngày 6/4 tại Hải Phòng.
Doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế
Nhiều năm qua, VCCI Hải Phòng cùng với Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong khu vực Duyên hải phía Bắc đã đại diện cho các doanh nghiệp có tiếng nói tới các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Trong bối cảnh đó, kết quả điều tra PCI 2017 tiếp tục cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh tại khu vực Duyên hải phía Bắc. Trong đó, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017 với điểm số 70,7 trên thang điểm 100, thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 13 năm điều tra PCI; Hải Phòng với 65,2 điểm lần đầu tiên nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017.
Phát biểu chúc mừng các doanh nghiệp đã vượt qua 1 năm khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: VCCI không chỉ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ, cởi trói ở tầm vĩ mô để tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp mà còn phối hợp với các địa phương, các hiệp hội tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để vươn tới các chuẩn mực quốc tế. Chúng ta không sợ quy mô, khi kinh tế Việt Nam có tới 96 – 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi trên thực tế, các nền kinh tế Nhật, Mỹ… thì cũng có tới 98 – 99% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều quan trọng là doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta phải đạt được chuẩn quốc tế.
Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ những vẫn có thể hợp tác được với những doanh nghiệp hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tâm sự: "Chúng tôi có thể “chơi” được với những doanh nghiệp hàng đầu, không phải do quy mô, tài chính của chúng tôi, mà do triết lý kinh doanh của doanh nghiệp chúng tôi phù hợp với họ".
"Các nhà đầu tư thế giới khi vào Việt Nam lựa chọn đối tác đều chia sẽ với chúng tôi điều tương tự như vậy. Không nhất thiết phải chọn doanh nghiệp lớn, mà quan trọng nhất là chọn những doanh nghiệp có thể chia sẻ về triết lý phát triển tầm nhìn, hướng tới sự phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận xã hội bằng phục sự xã hội, chứ không phải làm kiểu chụp giật, ngắn hạn, chỉ lo cho lợi ích của mình", TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện nay Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững của cả nền kinh tế, của các doanh nghiệp. GDP tăng trưởng là điều quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng của sự tăng trưởng. Quy mô của doanh nghiệp cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đạt chuẩn quốc tế thì sẽ phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn mà không đạt chuẩn thì sớm muộn cũng đổ vỡ.
Cải thiện môi trường đầu tư
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, sắp tới VCCI sẽ tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện môi trường đầu tư giữa các địa phương. Vì vậy, VCCI đề nghị lãnh đạo các địa phương lưu ý đến những mô hình cải cách đã thành công ở 1 số địa phương dẫn đầu.
"Chỗ nào chưa thành lập trung tâm hành chính công, đề nghị các địa phương thành lập sớm. Không phải xây dựng trung tâm hành chính công là xây dựng tòa nhà mà là xây dựng cơ chế 1 cửa, một nơi để doanh nghiệp, người dân đến để có thể thực hiện những thủ tục hành chính công một cách công khai, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả. Trung tâm hành chính công phải có sự tham gia của đại diện Hiệp hội để giám sát việc thực hiện của cơ quan chính quyền, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, các địa phương chưa thành lập Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập thì hãy thành lập. Nếu đặt tại 1 Sở nào đó sẽ không đủ quyền lực thực sự trong việc thúc đẩy và hỗ trợ đầu tư. Bởi thủ tục đầu tư vẫn tiếp tục phiền hà rắc rối, không có sự chỉ đạo trực tiếp từ trên. Ngoài ra, chỗ nào Hiệp hội doanh nghiệp còn tản mạn thì phải xây dựng một hiệp hội doanh nghiệp thống nhất theo hướng nhất thể hóa. Mỗi tỉnh có 5 – 7 Hiệp hội, các Hiệp hội không hợp tác với nhau thì không thể hội nhập được.
Đáng lưu ý, hiện nay nhiều địa phương đã triển khai Chương trình Cafe Doanh nhân. Trong đó, Quảng Ninh có một kinh nghiệm rất hay là tương tác với doanh nhân qua mạng xã hội. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc gặp mặt doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn không nên dừng lại ở 1 tháng một lần, mà nên gặp doanh nghiệp hàng tuần. Chẳng hạn như tại Cần Thơ, lãnh đạo chính quyền Hiệp hội dành ngày thứ 2 hàng tuần cho doanh nhân.
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để làm sao khu vực Duyên hải phía Bắc thực sự là cửa ngõ đón được làn sóng đầu tư lớn thứ 3 của nền kinh tế Việt Nam.