VCCI Đà Nẵng kết nối hợp tác doanh nghiệp miền Trung với Cộng hòa Séc
Dựa trên nền tảng quan hệ ngoại giao tốt đẹp, cơ cấu các mặt hàng phù hợp giữa hai nước, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng có rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác với Cộng hòa Séc.
Hiện các mặt hàng phổ biến Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc như cà phê, hạt tiêu, hoa quả, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính…
Trong khi đó, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Cộng hòa Séc các mặt hàng như điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh…
"Hầu hết các sản phẩm mà Cộng hòa Séc nhập khẩu cũng là những sản phẩm thế mạnh của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Trong khi những sản phẩm xuất khẩu của Cộng hòa Séc cũng là những sản phẩm mà thị trường Đà Nẵng và khu vực có nhu cầu”, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Đà Nẵng – ông Nguyễn Tiến Quang cho biết.
Hiện Cộng hòa Séc là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định. Quốc gia này cũng là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế lớn như EU, WTO, OECD và là thị trường truyền thống của Việt Nam trong gần 70 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thứ trưởng Công thương Cộng hòa Séc, ông Vladimir Bartl cho biết ông rất ấn tượng với những thay đổi của Việt Nam trong lần quay trở lại lần này.
“Việt Nam đang có sự phát triển năng động và có nhiều thay đổi ấn tượng, tôi xin chúc mừng vì điều đó. Vì mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, tôi mong muốn các mối quan hệ kinh tế - thương mại cũng tốt đẹp như vậy”, ông Vladimir Bartl nói và nhấn mạnh, doanh nghiệp Cộng hòa Séc mong muốn trao đổi về các tiềm năng và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Công thương Cộng hòa Séc cho biết, Cộng hòa Séc có những lĩnh vực thế mạnh như khai khoáng, tự động hóa, nông nghiệp, giao thông hàng không, bảo vệ môi trường… và có lịch sử lâu đời về công nghiệp giao thông điện ngầm và đang mở rộng lĩnh vực công nghệ sinh học. “Nếu các bạn quan tâm, có thể liên hệ với lãnh sự quán và đại sứ quán của CH Séc tại Hà Nội”, ông Vladimir Bartl nói và cho biết, trong Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012-2020, CH Séc đưa Việt Nam (nước duy nhất trong ASEAN) vào danh sách 12 thị trường ưu tiên.
Năm 2017, Miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã trở thành tâm điểm của hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế với cao điểm là Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức thành công tại TP Đà Nẵng. VCCI, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã đóng vai trò không nhỏ góp phần vào thành công chung của năm APEC Việt Nam. Đà Nẵng hiện cũng là địa phương có cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất khu vực và thứ ba đất nước.
Giám đốc VCCI đề nghị các doanh nghiệp hai nước có mặt tại hội thảo tích cực trao đổi, tiếp xúc, thiết lập quan hệ hợp tác để tận dụng tốt những cơ hội hợp tác kinh doanh.
“Tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ thông tin sẽ thiết lập cầu nối vững chắc để biến cơ hội thành những đơn hàng, hợp đồng, hợp tác cụ thể giữa doanh nghiệp hai nước”, ông Quang nhấn mạnh.