6 rào cản DNNVV khó tiếp cận tín dụng
Mặc dù việc tiếp cận tín dụng hiện nay đã dễ dàng hơn, song vẫn còn 6 rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Đó là chia sẻ của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội tại Hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính- Cải thiện chỉ số tiến cận tín dụng" do Báo DĐDN- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị chuyên môn của NHNN tổ chức chiều nay (20/4) tại Hà Nội.
Theo ông Mạc Quốc Anh, việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay không khó so với trước đây. Các ngân hàng cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các DNNVV. Mặc dù vậy, khả năng hấp thụ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng chưa được cao. Điều tra của Hiệp hội cho thấy, có 59% DNNVV bị các ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần.
"Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện và khả năng kinh doanh còn yếu kém. Các DNVVN vẫn còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật", ông Quốc Anh cho biết và chỉ ra 6 rào cản khiến DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Thứ nhất, nguồn ngân sách Nhà nước hiện nay còn rất hạn chế. Một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy như công tác đào tạo, thị trường, giới thiệu về sản phẩm khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại chưa được phát huy một cách tối đa.
Thứ hai, thông tin, tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV còn hạn chế, chưa được minh bạch hóa.
Thứ ba, việc vay vốn của DNNVV dễ dẫn đến nợ xấu vì tài sản đảm bảo chưa thuyết phục. Do đó, DNNVV khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Thứ tư, DNNVV chưa quan tâm đến đào tạo, tư vấn, thông tin từ các chương trình mà chủ yếu qua thông tin không chính thức, nên việc cập nhật chính sách còn hạn chế, dễ bị tác động bởi sự biến động môi trường.
Thứ năm, trình độ quản lý của các DNNVV còn yếu kém, công nghệ lạc hậu, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế. Nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo vị thế, thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, DNNVV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, các gói tín dụng của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội…
Toàn cảnh Hội thảo ngày 20/4, tại Hà Nội.
Thứ sáu, một số tổ chức tín dụng chưa mặn mà với các khách hàng DNNVV, do quy mô, hiệu quả tín dụng không cao, thời gian thẩm định lâu hơn, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao.
Dưới góc độ của Hiệp hội, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, để phá vỡ những rào cản và nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.
"Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; đồng thời chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV cũng như các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay", ông Quốc Anh đề xuất.