Đối tác ngày càng bền chặt
LTS: Với sự hợp tác chặt chẽ giữa VCCI và các Bộ, ngành, hoạt động xây dựng và thực thi chính sách ngày càng được cải thiện, đổi mới.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng như các đối tác nước ngoài đã luôn tin tưởng vào sự đồng hành của VCCI. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư mới và mở rộng các dự án đang triển khai.
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng: VCCI đồng hành cùng Bộ Tài chính trong cải cách hành chính
Với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, thời gian qua các hoạt động của VCCI đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với những hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với mục tiêu lấy Doanh nghiệp là động lực cho sự phát triển của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với VCCI, thông qua VCCI để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, có thể điểm qua các hoạt động nổi bật như sau:
Thứ nhất, trong công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC: VCCI và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, cải cách, cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài chính mà trọng tâm là TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo (số lượng văn bản được ban hành, sửa đổi nhiều TTHC được cắt gảm, đơn giản hóa.
Thứ hai, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan đơn vị của Bộ Tài chính: VCCI đã tập hợp các thông tin, ý kiến, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tham vấn với các đoàn đàm phán về kinh tế, với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình ký kết, gia nhập, thực thi các điều ước quốc tế.
Thứ ba, là cơ quan giám sát, phản biện, đánh giá chất lượng hành chính các cơ quan hành chính, thông qua việc điều tra, đánh giá sự hài lòng cá nhân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công) từ bên ngoài. Thông qua kết quả đánh giá, giúp các cơ quan thuế, hải quan, cơ quan hành chính nắm bắt những tồn tại, hạn chế để có biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp (các năm 2015, 2016 VCCI đã phối hợp cơ quan thuế, hải quan khảo sát đo lường sự phục vụ của cơ quan thế, hải quan đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, hỗ trợ nhu cầu pháp lý cho doanh nghiệp, việc VCCI và Bộ Tài chính (cơ quan thuế, Hải quan) hằng năm phối hợp, tổ chức các chương trình tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua đó đã góp phần phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tiếp nhận những phản ánh kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách để nghiên cứu hoàn thiện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham gia các tranh chấp quốc tế; xúc tiến thương mại, tư vấn giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kinh doanh và thực thi chấp hành pháp luật.
Những kết quả trên cho thấy sự phối hợp có hiệu quả, chung tay trong công tác cải cách giữa VCCI và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trước yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới còn rất nặng nề với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự tham gia phối hợp của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện chính sách, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp thì công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan sẽ đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra tại NQ19/NQ-CP, NQ35/NQ-CP góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà:Đồng hành cải cách thủ tục hành chính
Trong những năm qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp được Chính phủ, các Bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Phải thẳng thắn thừa nhận, thực tế xây dựng chính sách ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều bất cập khi cơ quan làm chính sách và cơ quan thực thi chính sách là một, nên chưa bám sát được khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng đã nhiều lần chủ động kết hợp cùng VCCI trong việc lấy ý kiến các doanh nghiệp về môi trường đầu tư, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. VCCI đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chính sách, gỡ bỏ rào cản đầu tư cho doanh nghiệp thông qua một số luật mà Bộ Xây dựng chủ trì như: Luật Xây dựng, góp ý Dự thảo Thông tư xử phạt vi phạm hành chính trong đầu tư xây dựng; Luật quản lý phát triển đô thị…
Bộ Xây dựng cũng đánh giá rất cao việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã góp phần giúp các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Hay việc chấm điểm các Bộ ngành (MEI) để các Bộ nhìn nhận rõ hơn hoạt động của mình nhằm hoàn thành tốt hơn công việc.
Bà Nurul Alia Razani - Bí thư thứ nhất đại sứ quán Malaysia:Tăng cường hợp tác kết nối giữa
doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia
Chúng tôi làm việc chặt chẽ với VCCI trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư từ Việt Nam sang Malaysia và ngược lại. Chúng tôi hợp tác với VCCI trong nhiều lĩnh vực và sự kiện như APEC 2017, đặc biệt là sứ mệnh thương mại từ Malaysia sang Việt Nam năm 2016 dẫn đầu bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế. Tôi nghĩ, VCCI và Đại sứ quán có mối quan hệ tốt.
Tôi mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của VCCI trong việc trao đổi thông tin, kết nối các doanh nghiệp giữa hai nước Việt Nam – Malaysia.
Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia trong khối ASEAN và thứ 12 trên toàn cầu của Malaysia. Hiện tại, Malaysia cũng đứng thứ 7 trong danh sách các nước đầu tư FDI vào Việt Nam, với tổng mức vốn FDI đăng ký tính đến hết năm 2016 là 12,3 tỷ USD. Với xu hướng hiện tại, tôi tin rằng đầu tư của Malaysia vào Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Đại sứ quán Malaysia trong thời gian tới sẽ làm hết sức mình để hai nước sớm hoàn tất các thoả thuận song phương, tạo nền tảng thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: VCCI là đối tác tích cực của Bộ Công Thương
Trong thời gian qua, với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là việc, VCCI tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động, đa dạng cả về hình thức và nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp kịp thời các thông tin nhận định, đánh giá về tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới... Bên cạnh đó, VCCI còn tổ chức nhiều chương trình huấn luyện, đào tạo, hội thảo chuyên đề nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao kỹ năng, năng lực quản trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
VCCI còn là đối tác tích cực của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương trong công tác tham gia xây dựng, phổ biến và tuyên truyền pháp luật, chính sách và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. VCCI chính là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, các Cơ quan Chính phủ và Doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tập hợp được các tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của doanh nghiệp.
Michael Greene - Giám đốc USAID Việt Nam:PCI có tác động to lớn trong hoạt động đầu tư
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) có mối quan hệ đối tác với VCCI nhiều năm qua không chỉ với dự án PCI mà còn trong nhiều dự án khác. Tôi cho rằng, VCCI có thể vận động chính sách để cải thiện chất lượng điều hành cũng như năng lực của cán bộ các cấp để họ có thể tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam.
USAID đã và đang hỗ trợ thực hiện báo cáo PCI thông qua hợp tác với VCCI trong nhiều năm qua vì chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của PCI. Chúng tôi cho rằng, PCI có tác động to lớn đến công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2014 khi Nghị quyết 19 được ban hành trong đó yêu cầu chính quyền các tỉnh thành cần phải cải thiện điểm số PCI thì sự quan tâm ngày càng gia tăng, các tỉnh đã xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể và đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả là điểm số PCI đã được cải thiện trên khắp cả nước, tất cả các tỉnh, ngoại trừ một tỉnh. Tôi nghĩ rằng, PCI có tác động to lớn trong việc gia tăng đầu tư nhờ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn:Thúc đẩy đầu tư lĩnh vực nông nghiệp
Trong nhiều năm qua, với vai trò là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã có nhiều hoạt động phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nhằm hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, thương mại cho sản phẩm của ngành. Đặc biệt, VCCI đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT trong việc nắm bắt, tập hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp trong ngành. Giúp Bộ có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như cắt giảm điều kiện kinh doanh và nhiều chính sách ưu đãi thu hút trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản. Đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, kết nối giữa các doanh nghiệp. Nhiều hoạt động giới thiệu, xúc tiến sản phẩm nông sản giữa doanh nghiệp Việt Nam tới các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… đã được VCCI tổ chức.
Thông qua các hoạt động này, không chỉ mở rộng thị trường cho nông sản Việt, mà thông qua đó, doanh nghiệp nông nghiệp trong nước còn được tiếp cận, nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật canh tác công nghệ cao, quy trình bảo quản chuỗi… Đây là một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp trong nông nghiệp cả về số lượng và chất lượng những năm qua.
Ông Karashima Hiroshi - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI):VCCI - cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam
Hiệp hội Doanh nhiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), đã nhận được sự chấp thuận cho phép thành lập phòng thương mại và công nghiệp ở nước ngoài vào năm 1998. Sau đó, với sự hỗ trợ của VCCI và thành phố Hà Nội, Hiệp hội đã chính thức được cấp giấy phép hoạt động, và từ đó đến nay vẫn luôn nỗ lực hết mình để thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia Việt Nam- Nhật Bản.
Năm ngoái, chúng tôi vinh dự trở thành đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), và đã cùng VCCI tổ chức thành công hội nghị diễn đàn. Đối với JCCI, đó quả thực là cơ hội tuyệt vời. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt với tư cách là thành viên của VBF.
Hiện tại, ở Nhật Bản xu hướng mong muốn đầu tư vào Việt Nam đang tăng cao trong những năm gần đây. Chúng tôi cho rằng, các hội thảo do VCCI tổ chức là những cơ hội hữu ích để có thể nắm bắt thông tin về thương mại Việt Nam, do đó JCCI cũng luôn tích cực chia sẻ thông tin về các sự kiện của VCCI đến các doanh nghiệp hội viên.