Quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp ngày càng thực chất
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: 80% doanh nghiệp cho rằng, ngành hải quan đã thực sự coi doanh nghiệp là đối tác.
Đó là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị bàn giải pháp tăng cường mối quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp tại Hải Phòng sáng nay 7/5.
Hải quan + Doanh nghiệp = Đối tác
Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho biết, sau khi có Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng lúc bấy giờ đã dẫn đầu đoàn làm việc với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để bàn, cải thiện thủ tục hành chính với tư cách là 1 điểm thúc đẩy cải cách, điểm quan trọng để thúc đẩy cải cách. Thời điểm đó các chỉ số trong thủ tục Hải quan, trong lĩnh vực thuế của chúng ta là “đội sổ” của ASEAN. Việt Nam, để thực hiện các thủ tục mất 873 giờ bao gồm cả bảo hiểm. Trong khi đó các nước tại ASEAN người ta chỉ giải quyết trong 171 giờ. Việt Nam gấp 5-6 lần các nước ASEAN về thời gian thực thủ tục hành chính. Thủ tướng đã nói rằng người dân và doanh nghiệp nộp tiền và nộp thuế cho nhà nước còn khó khăn đến mức như vậy thì thử hỏi còn làm gì không khó khăn?
Từ năm 2014 đến nay, trong 2 lĩnh vực này đã có những thay đổi, có những chuyển biến rất quan trọng. Hải quan Hải Phòng là 1 đơn vị đi đầu trong cả nước trong thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa. Việc thực hiện hệ thống điện tử đã đạt cấp độ 4. Tôi cho rằng đó là 1 thành công dẫn đầu trong cải cách hành chính. Những nỗ lực của ngành Hải quan nói chung và Hải quan Hải Phòng nói riêng đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Mặc dù cũng có những ý kiến góp ý, có những hiến kế thúc đẩy, có những ý kiến còn chưa hài lòng nhưng nói chung các doanh nghiệp và các hiệp hội đều đánh giá cao nỗ lực của Hải quan Hải Phòng trong thời gian qua.
Chủ đề hôm nay là tăng cường chủ động, hợp tác quan hệ đối tác giữa Hải quan và doanh nghiệp. Nhấn mạnh chữ “đối tác”, tôi cho rằng rất quan trọng. Từ 1 số liệu nghiên cứu chung của VCCI, thì có tới 20% số doanh nghiệp chưa đồng ý với nhận định rằng Hải quan thực sự coi doanh nghiệp là đối tác. Có nghĩa cứ khoảng 5 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp nói rằng Hải quan chưa thực sự là quan hệ đối tác với doanh nghiệp. Nhiều cán bộ chưa hiểu được những gian nan, vất vả trong quan động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, còn một số bộ phận vô cảm đối với những khó khăn của doanh nghiệp và tính chuyên nghiệp còn chưa cao. Còn một số bộ phận cán bộ được hiểu còn sách nhiễu doanh nghiêp. Cho nên 20% doanh nghiệp cho rằng, Hải quan chưa thực sự coi doanh nghiệp là đối tác là thực tế. Chính vì vậy, trong hội nghị này chúng ta phải hiểu quan hệ giữa Hải quan và doanh nghiệp là quan hệ đối tác, chứ không phải quan hệ trên dưới.
Bản thỏa thuận 9 điều về quan hệ hợp tác giữa Hải quan – Doanh nghiệp, trong đó có 4 điều liên quan đến doanh nghiệp và 5 điều liên quan đến Cục Hải quan Hải Phòng, đã đề cập đến các vấn đề quan trọng mà các doanh nhiệp quan tâm trong quan hệ đối tác. Mục tiêu, chúng ta phấn đấu số doanh nghiệp cho rằng hải quan là đối tác của doanh nghiệp là 100%, chứ không phải 80% như hiện nay.
Trong quan hệ đối tác này, việc hiến kế để thúc đẩy quan hệ đối tác là trách nhiệm của cả 2 bên. Mặc dù, cải cách hành chính ở Việt Nam đã đi 1 bước dài, tiến bộ nhưng so với thế giới thủ tục hành chính của chúng ta trong các lĩnh vực bao gồm cả Thuế và Hải quan vẫn còn xếp ở bậc trung, chưa phải là những chỉ số tiến bộ trong nền kinh tế. Theo xếp hạng của WB về môi trường kinh doanh, thì các thủ tục xuyên biên giới của chúng ta xếp thứ 93/190, đó là mức trung bình, chứ chưa phải mức tiên tiến. Chỉ số của môi trường kinh doanh của Việt Nam không nên chỉ tiến tới ASEAN mà còn phải tiến tới chuẩn các nước tiến tiến (OECD).
Phải cải cách mạnh mẽ
Thương mại qua biên giới không chỉ là trách nhiệm của ngành Hải quan. Trong tổng thời gian doanh nghiệp phải thực hiện để đưa hàng hóa xuất khẩu qua biên giới thì ngành Hải quan chỉ chiếm tới 28% tổng số thời gian, còn hơn 70% thời gian thương mại xuyên biên giới là thuộc về các bộ ngành, chuyên ngành (khoảng 10-11 bộ, chuyên ngành liên quan đến việc này). Điểm nghẽn trong thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xuyên biên giới chủ yếu thuộc về các bộ, ban ngành. Trong từng đó bộ, ban ngành, Hải quan là tiến bộ nhất, còn các bộ ngành khác hiện nay đang rất trì trệ. Cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện tốt. Chính vì vậy, Thủ tướng và Chính phủ đã có những quyết định rất quan trọng, trong năm tới phải giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các doanh nghiệp, Hải quan đều có ý kiến kiến nghị và tôi cũng nhất trí với kiến nghị đó là làm sao thực hiện kiểm tra tại 1 điểm thôi, kiểm tra thông quan qua biên giới 1 chỗ thôi. Bây giờ, nào là kiểm tra ở cảng, kiểm tra ở biên giới, xong lại mang hàng hóa về các tỉnh và hàng tháng, mấy tháng sau mới trả lời kết quả kiểm định thì “chết” doanh nghiệp.
Phải cải tiến mạnh mẽ khâu kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, tốt nhất là tập trung vào 1 điểm cửa khẩu biên giới. Cái gì có thể thực hiện qua mạng thì thực hiện qua mạng, cái gì kiểm tra trực tiếp phải có đủ thiết bị, phải có đủ phương tiện để thực hiện. Làm thế nào để thực hiện được điều đó. Chúng ta phải thực hiện xã hội hóa, để cho tư nhân làm, họ mua sắm thiết bị, đầu tư và làm dịch vụ. Nhưng họ bảo đảm bảo đủ pháp lý tham gia vào lĩnh vực đó, Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động của họ để rút ngắn thời gian thông quan qua biên giới.
Hiện nay, doanh nghiệp đánh giá rất cao về hệ thống thông tin của Hải quan, có tới 90% doanh nghiệp được khảo sát hài lòng, dễ tiếp cận các thông tin của ngành Hải quan. Nhưng có tới trên 20% doanh nghiệp nói rằng thông tin của ngành Hải quan không rõ ràng. Rất nhiều các quy luật pháp luật chồng chéo, hiểu thế nào cũng được. Rất khó cho doanh nghiệp, khó cho Hải quan, khó cho người dân… không biết vận dụng kiểu gì. Nhiều quy định liên quan đến thủ tục Hải quan ngay cả áp thuế, cục này áp dụng như thế này, cục khác lại áp dụng thế khác, hệ thống cả nước không thống nhất.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, khi doanh nghiệp có kiến nghị thì các cán bộ Hải quan chỉ có trích văn bản ra trả lời doanh nghiệp nhưng rất nhiều văn bản không đủ rõ, mập mờ, doanh nghiệp không biết áp dụng như thế nào cả. Cơ quan Hải quan phải hướng dẫn cho họ, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hiểu được, phải giải thích cho họ hiểu, chứ trìu tượng quá, chung chung quá. Nếu hiểu thế nào cũng được thì hãy hiểu theo cách có lợi cho người dân và doanh nghiệp nhất. Hãy bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người dân. Tôi đề nghị đã có trả lời cụ thể cho doanh nghiệp 1 sự việc cụ thể thì nên công khai tại cổng thông tin điện tử, để áp dụng cho lần sau.
Tôi đánh giá rất cao hoạt động của ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan Hải Phòng nói riêng trong thời gian qua. Ngành Hải quan là ngành tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính. VCCI cam kết sẽ sát cánh, đồng hành cùng chính quyền địa phương, cơ quan Hải quan trong công cuộc cải cách hành chính. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp hiến kế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo tới Hải quan.