Động lực tăng trưởng kinh tế tương lai là cải cách thế chế

Thy Hằng - Thanh Anh 18/05/2018 10:44

Sáng ngày 18/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Ban chấp hành VCCI lần thứ 8 khoá IV tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc- Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI cho biết, Hội nghị Ban chấp hành VCCI diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, ngày trước ngày kỉ niệm sinh nhật Bác Hồ và thời điểm vừa kết thúc Hội nghị Trung ương 7 với nhiều Nghị quyết, quyết sách quan trọng được thông qua như chính sách về “công tác cán bộ”, “cải cách chính sách tiền lương” và “cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quốc Tuấn.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quốc Tuấn.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, tất cả những văn kiện này rất quan trọng với động đồng doanh nghiệp mang lại niềm tin mới trong toàn Đảng toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó, trong tuần tới, Quốc hội cũng họp phiên họp lần thứ 5 dự kiến thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

“Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế năm 2017 và quý I/2018 có nhiều khởi sắc, cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh có nhiều tiến bộ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, môi trường kinh doanh ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư được khôi phục...VCCI tự hào đóng góp vào quá trình này. Cộng đồng doanh nghiệp đã trưởng thành và phát triển mạnh mẽ thời gian qua”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Về những đóng góp của VCCI trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế này, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI có hai tuyến đóng góp chính.

Thứ nhất, tác động mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả về vĩ mô và cấp thực thi ở địa phương. Với nhiều công cụ và cách thức thúc đẩy, VCCI là một trong những cơ quan, tổ chức đóng góp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng cải cách thể chế, thủ tục hành chính ở Việt Nam.

 TS Vũ Tiến Lộc- Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI

TS Vũ Tiến Lộc- Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhận định, nền kinh tế còn nhiều hạn chế. “Điều quan trọng là động lực tăng trưởng và tạo nên thành công những năm qua khó có thể duy trì trong năm tới. Tiềm năng mở rộng đầu tư dần bị thu hẹp. Dự báo thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng đăng ký thành lập doanh nghiệp và tăng vốn như những tháng đầu năm. Bởi tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc vào đầu tư đang bị giới hạn”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Đồng thời, yêu cầu đảm bảo kinh tế vĩ mô nợ công và nợ Chính phủ đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, Chủ tịch VCCI nhận định: "Nhân tố tạo động lực tăng trưởng thời gian tới chỉ có thể là những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là động lực phát triển bền vững của nền kinh tế."

“Về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh những nỗ lực cải cách của Chính phủ, VCCI đang tham gia tích cực vào quá trình này”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35, Nghị quyết 01 và Nghị quyết 19… Chủ tịch VCCI kỳ vọng những nỗ lực cải cách, phát triển doanh nghiệp sẽ được tiếp tục. Cùng với đó, mục tiêu cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh va thủ tục kiểm tra chuyên ngành. “VCCI tự hào đã đóng góp vào xây dựng những Nghị quyết nền tảng này. Tất cả các Nghị quyết này đã khẳng định VCCI là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, luôn đưa ra những sáng kiến cải thiện, thúc đẩy và giám sát thực hiện cải cách”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định. 

Thời gian tới, theo Nghị quyết 19 về cải cách toàn diện đồng bộ của Chính phủ từ năm 2014 và được ban hành hàng năm, VCCI tiếp tục được giao nhiệm vụ nặng nề.

Một là khảo sát đánh giá độc lập cải cách thủ tục hành chính và đưa ra kiến nghị Chính phủ.

Hai là tiến hành điều tra và công bố thường niên Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nghiên cứu đánh gía mức độ hài lòng của doanh nghiệp với các địa phương, Bộ ngành, thuế hải quan... ”Tốc độ lan toả của PCI không chỉ ở các tỉnh, mà đã lan toả đến cấp xã, phường, phòng, chi cục. Cùng với đó, công tác giám sát cải cách chính sách thuế, hải quan đang được tiến hành thúc đẩy cải cách các ngành này”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Ba là tổ chức thu thập ý kiến phản biện chính sách, những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện, VCCI đang thực hiện tập hợp, gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng quý.

Bốn là phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thành lập các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh, nâng cao năng suất, trách nhiệm xã hội, tăng cường hội nhập...

Năm là phối hợp cùng các Bộ ngành, cơ quan nâng cao năng lực của các Hiệp hội doanh nghiệp.

Sáu là phối hợp với các Bộ ngành áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Như vậy, VCCI vừa có bộ chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của chỉnh quyền do DN bình chọn, vừa có bộ chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của doanh nghiệp

Theo Chủ tịch VCCI, phát triển bền vững đang là vấn đề quan trọng hàng đầu và là mô hình, mục tiêu hướng đến của các nền kinh tế trong mọi thời điểm. Do đó, CSI đang là bộ chỉ số được VCCI triển khai trong những năm qua và bây giờ được đưa vào chính thức trong Nghị quyết của Chính phủ.

“Và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai bộ chỉ số này tới các Hiệp hội doanh nghiệp. Đề nghị các Hiệp hội xây dựng như một công cụ để hướng dẫn các doanh nghiệp vươn tới các chuẩn mực của phát triển bền vững, đây cũng là điểm mới trong chương trình công tác của VCCI”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Có thể nói, trong lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, VCCI cũng đã ký những thỏa thuận hợp tác, cam kết với các Chủ tịch tỉnh, thành phố về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Và hiện đang đôn đốc, giám sát, hỗ trợ thực hiện. 

Thứ hai, về xúc tiến thương mại đầu tư cũng là một chức năng quan trọng của VCCI. Tại NQ25/2015/NQ-CP và Quyết định 213/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng CP kí vào ngày 12/2/2018 đã giao VCCI chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương để tăng cường thúc đẩy hợp tác với các đối tác chiến lược của Việt Nam.

“Như vậy, VCCI có nhiệm vụ tổ chức hoạt động thương mại xúc tiến đầu tư với các đối tác chiến lược của Việt Nam và các cường quốc trên thế giới. Hiện nay chúng ta có 17 đối tác chiến lược là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc, Đức... và đối tác quan trọng là Hoa Kỳ. Như vậy, tất cả các đối tác chiến lược và quan trọng Chính phủ đều giao cho VCCI chủ trì xây dựng các chương trình thúc đẩy thương mại đầu tư. Đây là khối lượng công việc rất lớn nhưng khẳng định vai trò của VCCI được ghi nhận và tăng cường trong thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc nói. 

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, Ban Thường trực đang bàn về việc xây dựng các hội đồng kinh doanh hỗn hợp với các nền kinh tế đó, tập hợp những doanh nghiệp hàng đầu, những doanh nghiệp có tiềm năng để  hợp tác của nước ngoài và có những trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức Phòng Thương mại các nước và các đại sứ quán cũng sẽ chung tay với VCCI để xây dựng các chương trình xúc tiến.

"Các hoạt động xúc tiến hiện nay được triển khai khá dồn dập, khá hiệu quả. Và chúng ta rất muốn xúc tiến một cách hiệu quả, thiết thực hơn trong khuôn khổ đề án 25 và trong khuôn khổ hoạt động của các hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp mà VCCI sẽ thành lập trong thời gian tới", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cả trong lĩnh vực cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì VCCI đều được giao những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Điều này cũng chứng tỏ thời gian vừa rồi VCCI đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực này và CP tiếp tục "chọn mặt gửi vàng" giao cho VCCI những việc như vậy. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề và cơ hội của VCCI để tham gia mạnh mẽ hơn vào cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Thy Hằng - Thanh Anh