Tìm thị trường mới cho tre và nghêu
Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre và nghêu tại Việt Nam” đã chính thức khởi động ngày 25/5.
Ngày 25/5, Oxfam cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đối tác 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tổ chức hội thảo khởi động dự án trị giá 4,3 triệu Euro, do liên minh châu Âu (EU) , Oxfam và đối tác đồng tài trợ, hướng tới phát triển bền vững hai chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam có nguồn sinh kế chính phụ thuộc vào sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với rất nhiều bất lợi và thách thức so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị, thu nhập thấp và đa số vẫn là những hộ nghèo.
Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, “Thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước và quốc tế”.
Song song với việc hỗ trợ cải tiến kĩ thuật sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong chế biến và kinh doanh, dự án tập trung xây dựng năng lực của các hộ sản xuất quy mô nhỏ, hỗ trợ kĩ thuật các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi nghêu và tre nhằm đạt được các tiêu chuẩn sản xuất bền vững quan trọng như MSC (Marine Stewardship Council) dành cho nghêu, FSC (Forest Stewardship Council) dành cho tre. Đó là điều kiện tiên quyết để tiếp cận những thị trường khó tính như châu Âu.
Ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ khẳng định: “Muốn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ tre nứa, chúng ta phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này. Các thị trường quốc tế có đòi hỏi cao; đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn giúp đóng góp vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững và đóng góp cho an sinh xã hội”.
Tiến sĩ Phạm Văn Chắt, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VCCI, báo cáo viên Bộ công thương về Hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ: "Hầu hết các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đều có quy định về nhập khẩu sản phẩm từ mây, tre đan và thủ công mỹ nghệ, trong đó đặc biệt là các quy định lên quan đến bảo vệ môi trường. Theo đó các nước sẽ kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, kiểm soát các loại côn trùng gây bệnh, lây nhiễm trong sản phẩm (nhất là không hun, sấy đúng quy trình, kỹ thuật)”.
Các thị trường mới cho tre và nghêu sẽ được nghiên cứu và tiếp cận thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đối tác châu Âu như Mạng lưới mây, tre quốc tế (INBAR), hiệp hội và mạng lưới các nhà bán lẻ quốc tế như Amazon, Morrison, Wallmart, Axfood…
Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi giá trị. Các liên minh công - tư bao gồm chính quyền địa phương, các tổ chức dịch vụ công, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp đầu ngành, các tổ chức tổ chức chính trị xã hội và đối tác sẽ được thành lập tại năm tỉnh dự án. Các liên minh sẽ tập trung thúc đẩy triển khai các chính sách phát triển ngành, tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường và tín dụng, đồng thời tham gia giám sát và hành động để phát triển bền vững và toàn diện các chuỗi giá trị.
Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre và nghêu tại Việt Nam” sẽ được thực hiện trong bốn năm (2018 – 2022) tại năm tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang, mang lại lợi ích cho 150 nhóm sản xuất với 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ.
Dự án do Oxfam quản lý và phối hợp thực hiện cùng các đối tác là Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt nam (VCCI).