Cảnh báo xu hướng phòng vệ thương mại mới từ Mỹ
Thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện về bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn như Mỹ
Từ góc độ quốc tế, sẽ có hai loại tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Một là tác động tiêu cực với các quốc gia đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ dưới các chính sách mà Mỹ đã đưa ra.
Hai là tác hại kinh tế khác ngay trong chính nước Mỹ, đặc biệt là với các nhà sản xuất. Nhiều công ty công nghệ cao, chẳng hạn như trong ngành công nghiệp ô tô, phải nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các linh kiện và thành phần, từ các nước khác trên thế giới. Họ đã thiết lập các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để chế tạo sản phẩm bằng cách sử dụng các bộ phận nhập khẩu.
Điều này cũng đúng cho ngành công nghiệp điện tử và máy bay. Trước chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ hiện nay, tất cả những công ty sản xuất các sản phẩm cuối cùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mất tính cạnh tranh vì bây giờ họ phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn. Họ sẽ phải tăng giá thành sản phẩm của mình hoặc mua tất cả các bộ phận từ các nguồn cung trong nước (một điều không thể trong thế giới chuỗi cung ứng ngày nay).
Các chuyên gia đã có khuyến nghị, nếu cố gắng tăng thuế đối với tất cả các nguyên liệu đầu vào được sản xuất ở các quốc gia khác nhau, điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phụ tùng ở nước ngoài mà cả những nhà sản xuất sản phẩm hoàn thiện ở Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều hàng hoá được nhập khẩu vào Mỹ là sản phẩm trung gian, không phải sản phẩm hoàn thiện, và do đó các công ty ở Mỹ sẽ chịu thiệt hại vì chuỗi cung ứng sẽ kém hiệu quả hơn. Nếu Mỹ đánh thuế các sản phẩm trung gian này, Mỹ đang trực tiếp làm tổn thương các doanh nghiệp tại Mỹ và có trụ sở tại Mỹ. Điều đó sẽ rất phản tác dụng.
Có thể bạn quan tâm |
Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đã có kinh nghiệm đương đầu với vụ kiện và chống bán phá giá từ Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn, các doanh nghiệp nên chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời nắm bắt kỹ những yêu cầu mới trong các thay đổi về pháp luật của Mỹ.
Bà Phạm Thị Quỳnh Chi, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng cường việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước, nhưng vẫn còn khá mỏng.
Với mặt hàng nhôm thép, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ thực hiện điều tra chống bán giá 3 vụ, tất cả liên quan đến sản phẩm thép Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam thực hiện 6 vụ kiện tự vệ, trong đó 2 vụ liên quan đến thép còn lại là các sản phẩm khác.
"Bên cạnh những quy định của WTO về chống bán phá giá, một số quy định của Việt Nam đã được bổ sung chi tiết như các quy định về thiệt hại, các phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cập; các quy trình, thủ tục và thời hạn điều tra rà soát hàng hóa... để đảm bảo tăng cường tính minh bạch cũng như tính hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam", bà Chi cho biết.
Nền kinh tế Việt Nam hiện đang dựa nhiều vào hoạt động xuất khẩu, và chủ yếu tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, EU... Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại; đồng thời tăng cường những giải pháp để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện.